KỸ THUẬT DINH DƯỠNG

NĂNG LƯỢNG TRONG THỨC ĂN CHO HEO NÁI

2/26/2018 - 4:38 PM
Mức năng lượng cần thiết cho thức ăn nái nuôi con là bao nhiêu? Đó là một câu hỏi khó. Bởi vì không có mức năng lượng tiêu chuẩn cho thức ăn nái nuôi con mà sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của mỗi lợn nái và mức độ sản xuất của chúng. Lợn nái nuôi 9, 12 hay 16 lợn con sẽ có mức nhu cầu năng lượng khác nhau. Trên thực tế, chúng ta cần phải đo nhu cầu của vật nuôi theo tình hình của trại trước khi quyết định mật độ năng lượng thức ăn.


Nhu cầu năng lượng và mật độ thức ăn của lợn nái sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

  • Trọng lượng lợn nái

Heo nái có trọng lượng càng nặng thì nhu cầu năng lượng cho sự duy trì càng cao, do đó cần tăng cường cung cấp năng lượng.

  • Số lợn con

Trước khi quyết định về mật độ thức ăn, các chuyên gia dinh dưỡng cần phải biết liệu lợn nái có nuôi được 8, 10 hay 12 lợn con hay không. Đôi khi tôi hơi ngạc nhiên khi có nhiều chuyên gia dinh dưỡng không biết chính xác về kích thước ổ đẻ (số lợn con trung bình/ổ) của trại. Điều quan trọng ở đây là phải biết chính xác kích thước ổ đẻ của trại để tính toán mật độ thức ăn.

  • Tăng trọng trung bình hằng ngày

Lấy tăng trọng của lợn con từ lúc sơ sinh đến lúc cai sữa chia cho số ngày cai sữa, chúng ta có thể tính được mức tăng trọng trung bình hằng ngày của ổ đẻ.
 
Nếu một ổ có 10 lợn con, trọng lượng sơ sinh là 1kg và sau 24 ngày trọng lượng cai sữa là 6kg, thì tăng trọng hằng ngày ADG của ổ đẻ là 2,08 kg. Thông số này sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng sản xuất sữa của lợn nái để nuôi con trong việc hỗ trợ gia tăng trọng lượng của ổ đẻ.
 
Một khi bạn biết mức độ sản xuất của lợn nái, bạn có thể tính toán nhu cầu năng lượng hàng ngày thông qua mô hình toán học (INRAPIG). Nếu chúng ta lấy ví dụ một lợn nái LW x LD 240kg, bạn sẽ nhận được những con số dưới đây:

 

ADG 2,000 gr 2,500gr 3,000gr
Nhu cầu năng lượng hàng ngày của heo nái Kcal NE 13,684 15,958 18,239

 
Năng lượng được tính toán như trên sẽ phải được cung cấp cho lợn nái thông qua thức ăn. Lợn nái ăn lượng càng nhiều thì nhu cầu nồng độ thức ăn càng ít.
 
Bảng dưới đây minh họa nồng độ năng lượng thức ăn trên 1 kg tùy theo lượng thức ăn tiêu thụ của lợn nái. Các giá trị được tính theo đơn vị Kcal của Năng lượng thuần.
 

Chúng ta đang đề cập đến lượng thức ăn tiêu thụ trung bình chứ không phải lượng thức ăn tiệu thụ tối đa. Tôi nhận thấy rằng các nhà dinh dưỡng thường đánh giá quá cao con số này bởi vì họ thường đề cập đến lượng thức ăn phân phối cho lợn nái mà không thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn tiêu thụ thực tế là bao nhiêu. Khi thời tiết nóng, lượng thức ăn tiêu thụ giảm mạnh. Tôi thường nói rằng lượng thức ăn tiêu thụ ở Thái Lan và Việt Nam khoảng 6-7kg nhưng theo kinh nghiệm tôi thấy chỉ khoảng gần 4-5kg mỗi ngày. Chúng ta cần phải tính trung bình lượng thức ăn tiêu thụ thấp của những ngày đầu sau khi đẻ và lượng thức ăn tiêu thụ cao của những ngày gần cai sữa.

Để chọn đúng mức mật độ năng lượng, chúng ta cần cân bằng giữa lượng thức ăn tiêu thụ và chi phí thức ăn cho lợn nái. Bạn cần phải lưu ý rằng bất kỳ sự thay đổi nào mà bạn thực hiện về mật độ thức ăn hiện tại cũng sẽ ảnh hưởng đến lượng thức ăn tiêu thụ của lợn nái. Nếu bạn tăng mật độ thức ăn, lợn nái sẽ thích ứng với hành vi của nó và sẽ giảm lượng thức ăn tiêu thụ. Do đó, bạn cần theo dõi lượng thức ăn tiêu thụ của lợn nái để kiểm tra xem bạn có đi đúng hướng không.
 
Việc tăng mật độ thức ăn có thể rất tốn kém. Thường sẽ tiết kiệm hơn khi tăng lượng thức ăn tiệu thụ cho lợn nái. Trong bài viết tháng tiếp theo, chúng tôi sẽ xem xét các chiến lược dinh dưỡng và phi dinh dưỡng khác nhau để giúp tăng lượng thức ăn tiêu thụ của lợn nái đang cho con bú khi thời tiết nóng.

 

 

Nếu chúng ta quay trở lại ví dụ trước với ADG ổ đẻ là 2,08 kg, chúng ta cần đạt lượng thức ăn tiêu thụ hằng ngày (ADFI) của lợn nái ít nhất là 5,5kg để làm công thức có mức năng lượng dưới 2500 Kcal NE. Nếu chúng ta muốn tăng năng suất ADG ổ đẻ lên 2,5kg (cho sự tăng trọng lượng của lợn con lên 1kg hoặc tăng kích thước ổ đẻ thêm 2 lợn con), hoặc là chúng ta phải tăng ADFI của lợn nái lên 6,5kg hoặc là tăng mật độ thức ăn lên 2.900 Kcal, lựa chọn thứ hai sẽ đắt hơn nhiều.
 
Nếu lợn nái không nhận được đầy đủ năng lượng, nó sẽ có xu hướng lấy năng lượng từ chất béo tích tụ trên lưng. Điều đó giải thích tại sao lợn nái thường mất trọng lượng trong thời gian cho con bú, có thể mất đến 15% trọng lượng cơ thể. Nếu mất trọng lượng quá nhiều, sẽ gây nguy hiểm cho khả năng sinh sản của lợn nái ở các chu kỳ sinh sản tiếp theo cũng như lên hiệu suất chung của trang trại. Điều quan trọng là phải theo dõi thể trạng của lợn nái vào cuối mỗi chu kỳ tiết sữa. Nếu lợn nái mất quá nhiều trọng lượng, bạn cần phải tìm một chiến lược tăng năng lượng tiêu thụ cho lợn nái.  
 
Một cách khác để hỗ trợ lợn nái là cho lợn con ăn thức ăn tập ăn. Năng lượng mà lợn con sẽ nhận được từ thức ăn tập ăn này sẽ giúp lợn nái giảm áp lực cung cấp năng lượng cho lợn con thông qua sữa. Các thí nghiệm cho thấy rằng việc cung cấp thức ăn tập ăn trong suốt chu kỳ tiết sữa sẽ giúp hạn chế sự mất trọng lượng của lợn nái, rất có lợi cho lợn nái chuẩn bị cho chu kỳ sinh sản tiếp theo.   
 
Vì hàm lượng Lysine liên quan đến mức năng lượng nên nếu bạn thay đổi nồng độ năng lượng, bạn cần phải điều chỉnh mức Lysine cùng với tất cả các axit amin khác để duy trì cùng một tỷ lệ năng lượng / lysine / các axit amin khác.
 
Về mặt lý thuyết, chúng ta nên thiết kế mật độ thức ăn cho giai đoạn tiết sữa tùy vào tình hình của trại. Điều này có thể xảy ra đối với các nhà sản xuất thức ăn tích hợp, trong đó cần ghi chép cẩn thận lượng thức ăn tiêu thụ hàng ngày, khối lượng ổ đẻ, kích thước ổ đẻ và thể trạng của lợn nái. Đối với các nhà sản xuất thức ăn thương phẩm, việc điều chỉnh theo nhu cầu của khách hàng như vậy là không thể thực hiện được. Nhưng chúng ta có thể thiết kế ít nhất 2 mức mật độ năng lượng thức ăn; một thức ăn cho các trang trại sản xuất từ 8 đến 10 lợn con và một thức ăn cho các trại sản xuất từ 10-12 lợn con cai sữa trở lên. Điều đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí và sau đó là thúc đẩy hiệu suất  cao hơn.
 
Cuối cùng, chúng ta cần luôn luôn nhắc nhở người chăn nuôi về tầm quan trọng của lượng nước uống. Đó thường là yếu tố hạn chế đầu tiên lên lượng thức tiêu thụ và khả năng tạo sữa. Chúng ta cần phải kiểm tra độ sạch, áp suất và nhiệt độ của nước để đảm bảo rằng chất lượng nước xấu không làm hỏng tất cả những nỗ lực của chúng ta trong công cuộc tối ưu hóa thức ăn.


Nguồn: Nutrispices