KỸ THUẬT DINH DƯỠNG

DINH DƯỠNG TÁC ĐỘNG NHƯ NÀO ĐẾN THỜI KỲ MANG THAI VÀ SỰ SẢN XUẤT SỮA CỦA HEO NÁI?

3/14/2018 - 10:13 AM
Sữa heo nái chỉ hoàn hảo khi nuôi con tự nhiên, còn khi nuôi công nghiệp chúng ta cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng khác nữa qua thức ăn, nước uống hoặc tiêm trực tiếp nhằm đảm bảo năng suất.

Giai đoạn từ ngày thứ 60 tới 70 của thời kỳ mang thai là thời điểm then chốt cho sự phát triển của bào thai và tuyến sữa.

Từ những năm 1970 cho tới nay, các nhà sản xuất đã cố gắng nâng cao năng suất sinh sản cho heo nái với số lượng heo con sinh ra trên một ổ đẻ tăng lên bằng việc cải tiến bộ gen, điều đó dẫn tới việc hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng cần thiết cho heo nái giai đoạn mang thai tới trước và sau khi sinh con là rất quan trọng.

Không chỉ là số lượng heo mà còn cả kích thước của heo con trên một ổ đẻ là những yếu tố quan trọng cho heo nái để đưa ra mức dinh dưỡng phù hợp. Ví dụ vào năm 2004 các phôi thai đã lớn hơn 40% so với kích thước của nó trong quá khứ. Khi nhìn vào các số liệu thống kê về khả năng cung cấp sữa của heo nái tới sự phát triển của heo con, các chuyên gia đã thấy rằng vào năm 1935 mỗi heo nái chỉ tạo ra 3 kg sữa/ ngày khi so sánh với gần 12 kg sữa/ ngày cho mỗi heo nái vào năm 2010, như vậy có một sự khác biệt rất lớn theo thời gian.

 

Dinh dưỡng cho heo nái đặc biệt quan trọng

 

Cho heo nái ăn

Các chuyên gia đã phân tích sự thay đổi của phôi thai và tuyến sữa trong giai đoạn mang thai và sự tương quan với sự phát triển của heo con sau khi sinh. Lượng đạm thu nhận trên mỗi bào thai là rất thấp cho tới 70 ngày đầu thai kỳ. Lượng đạm trên mỗi bào thai chỉ khoảng 2.5 gram/ ngày cho tới ngày 70 nhưng sau đó nó sẽ tăng lên trong giai đoạn cuối của thai kỳ, mỗi bào thai sẽ có 4.6 gram/ ngày. Điều này giúp heo nái có đủ hàm lượng đạm cho các bào thai.

Bên cạnh đó, nhu cầu lysine và các loại acid amin khác cũng khác nhau rất lớn giữa các giai đoạn của thai kỳ.

Việc cho ăn là càng quan trọng hơn trong giai đoạn cuối của thai kỳ, nhu cầu dinh dưỡng của heo nái tăng lên bao gồm acid amin, chất chống oxy hóa, vitamin và khoáng.

Thông thường, heo nái cần 2 - 3 kg thức ăn/ ngày để duy trì cơ thể, và với mỗi heo con sinh ra thì cần 0.5 kg thức ăn/ con/ ngày nữa. Như vậy ví dụ một heo nái nặng 200 kg sinh được 10 heo con thì cần phải ăn 6-7 kg thức ăn/ ngày trung bình trong 21 ngày chu kỳ cho heo con bú mẹ, còn nếu nuôi 15 con heo con thì phải ăn 10 kg thức ăn/ngày.

 

Mang thai

Trong giai đoạn đầu thời kỳ, các chuyên gia nhận thấy rằng các bào thai có kích thước khá tương đương nhau, tuy nhiên ở ngày 60 tới 70 thì thấy có ít nhất một bào thai là nhỏ hơn so với những bào thai khác. Và sau đó khi sinh ra thì heo con với bào thai nhỏ cũng có kích thước và trọng lượng nhỏ hơn, điều đó có nghĩa rằng heo nái không có đủ dinh dưỡng để cung cấp cho tất cả các bào thai đang mang. Các bao thai ở trung tâm của tử cung thì thường nhỏ hơn những bào thai ở phía bên ngoài.

 

Tuyến vú

Tuyến vú thường phát triển vào giai đoạn cuối của thai kỳ, heo nái sử dụng nhiều dinh dưỡng hơn trong thời điểm này để hỗ trợ cho sự phát triển của tuyến vú. Không phải tất cả các núm vú đều phát triển với kích thước giống nhau. Núm vú thứ 3, 4, 5 ở giữa của heo nái thường là to nhất. Điều đó rất quan trọng vì kích thước của núm vú có liên quan tới lượng sữa tiết ra và liên quan tới sự phát triển của heo con theo mẹ. Thông thường các heo con bú sữa ở 5 cặp vú đầu tiên là có sự tăng trọng ngày cao hơn heo con bú sữa ở các núm vú dưới. Trong giai đoạn đầu thai kỳ, lượng protein tích lũy trong các núm vú là rất thấp chỉ 14 gram/ ngày, cho đến ngày 80 thì việc tích lũy protein đã tăng lên 24 lần tới 80 gram/ ngày. Điều đó có nghĩa rằng có sự khác biệt rất lớn nhu cầu protein cho heo nái từ giai đoạn đầu tới giai đoạn cuối của thai kỳ nhằm đảm bảo sự phát triển của tuyến vú. Protein tích lũy trong hệ thống tuyến sữa trong giai đoạn cuối chủ yếu để tạo thành các acid amin với số lượng tăng lên tới 20 lần.

 

Vai trò của khoáng vi lượng

Khoáng vi lượng đã được sử dụng không chỉ riêng cho dinh dưỡng heo nái mà còn cho cả toàn đời heo con. Những dinh dưỡng cung cấp cho heo nái có tác dụng lên heo con lâu dài, thậm chí còn tăng cả chất lượng thịt của heo giai đoạn xuất chuồng. Khoáng vi lượng rất quan trọng cho heo nái khi mà nó tác động lên việc tăng kích thước ổ đẻ, giảm tỉ lệ chết, trọng lượng sơ sinh cao hơn và trọng lượng khi xuất chuồng cũng cao hơn đáng kể.

 

 

Sữa heo nái

Sữa heo nái gần như là một thức ăn tự nhiên hoàn hảo, khi mà heo con có thể từ chối loại thức ăn tập ăn tốt nhất khi có sự hiện diện của sữa heo mẹ. Sữa heo mẹ chứa hàm lượng chất béo và protein dễ tiêu hóa cao rất lý tưởng cho heo con.  Sữa heo nái chứa 200 gram/ kg vật chất khô, trong đó chứa 55g/ kg protein, 50g/ kg lactose và 80g/ kg chất béo. Năng lượng chuyển hóa của sữa heo nái là 5.4 MJ/ kg, như vậy khi heo con cần 22 MJ/ kg năng lượng cho mỗi kg tăng trọng thì heo con cần uống 4 kg sữa heo mẹ. Heo sơ sinh chỉ dùng sữa mẹ cũng có thể tăng trưởng gấp 2 trọng lượng trong 3 tuần. Nhưng với sự phát triển bộ gen hiện nay, số lượng heo con sinh ra trong một ổ đẻ tăng lên và vượt quá khả năng sản xuất sữa của heo mẹ, hiện nay năng suất tiết sữa tốt nhất là khoảng 10kg/ ngày trong khi đó một ổ đẻ nhiều con có thể cần tới 18kg sữa/ngày. Hơn nữa sữa heo mẹ có tỷ lệ protein/ năng lượng là thấp, có nghĩa là heo con sẽ phát triển phần mỡ nhiều hơn phần nạc, điều này là có lợi khi heo sống trong tự nhiên cần tích mỡ để tạo năng lượng chống chọi với thiên nhiên, nhưng trong điều kiện nuôi công nghiệp như hiện nay thì không cần quá nhiều chất béo tích lũy do đó sữa heo mẹ lại bị coi như không đáp ứng được lượng protein cần thiết cho chăn nuôi hiện đại. Ngoài ra sữa heo mẹ cũng có hàm lượng thấp các loại khoáng như sắt và đồng, vitamin D cũng thấp, trong tự nhiên heo con có thể tiếp xúc với môi trường xung quanh để tổng hợp đủ, nhưng trong nuôi công nghiệp thì cần phải bổ sung cho chúng khi sinh ra. Chính vì vậy sữa heo nái chỉ hoàn hảo khi nuôi con tự nhiên, còn khi nuôi công nghiệp chúng ta cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng khác nữa qua thức ăn, nước uống hoặc tiêm trực tiếp nhằm đảm bảo năng suất.

 

Để tăng khả năng tiết sữa cũng như chất lượng sữa heo mẹ thì cần thiết phải:

  • Cho heo nái ăn khẩu phần có chất xơ cao trong 2 tuần trước khi sinh
  • Cho heo nái ăn theo chương trình nhanh nhất có thể
  • Cho heo ăn càng nhiều bữa càng tốt
  • Đảm bảo máng ăn sạch không bị nhiễm bẩn, vi khuẩn, nấm mốc
  • Cung cấp đủ nước sạch
  • Cung cấp khẩu phần có hàm lượng chất béo cao
  • Giảm chất xơ tự nhiên trong khẩu phần và tăng sử dụng các loại xơ tổng hợp
  • Dùng enzyme để tăng khả năng tiêu hóa
  • Viên cám có kích thước hợp lý
  • Cho heo nái ăn lúc nhiệt độ trong ngày thấp
  • Luôn đảm bảo rằng hàm lượng độc tố nấm mốc trong thức ăn cho heo nái là thấp và nên sử dụng chất hấp thụ độc tố nấm mốc.

 

Nguyễn Hoàng Hải tổng hợp