KỸ THUẬT DINH DƯỠNG

LƯU Ý NUÔI CÁ ĐIÊU HỒNG TRONG LỒNG BÈ

10/6/2023 - 3:50 PM
Đối với nuôi lồng bè, việc chọn vị trí đặt lồng rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả của cả vụ nuôi vì nguồn nước không thể kiểm soát được như mô hình nuôi trong ao mà phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.

Hỏi: Xin tư vấn vị trí đặt lồng bè nuôi cá điêu hồng phù hợp?

(Nguyễn Huy Hiệu, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)

 

Trả lời:

 

Cá điêu hồng là loài có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, có thể nuôi ở nhiều mô hình khác nhau như ao, bè nổi trên sông, hồ chứa.

 

Đối với nuôi lồng bè, việc chọn vị trí đặt lồng rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả của cả vụ nuôi vì nguồn nước không thể kiểm soát được như mô hình nuôi trong ao mà phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên.

 

Lồng bè nuôi trên sông: Chọn nơi thông thoáng, ít tàu thuyền qua lại, tuyệt đối không gần nguồn ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp; Lưu tốc dòng chảy phù hợp, tránh xa khu vực nước chảy xiết; Độ sâu phù hợp với lồng nuôi, đáy sông cách đáy lồng từ 0,5 - 1 m; Các yếu tố môi trường nước phù hợp với cá điêu hồng: pH khoảng 6,5 - 8,5; DO > 4 mg/lít; NH3 < 0,01 mg/lít; Nhiệt độ: 25 – 32 oC.

 

Lồng bè nuôi trên hồ chứa: Vì nước trong hồ chứa tương đối tĩnh, không chảy như ở sông, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước phụ thuộc vào không khí và gió nên phải chọn vị trí đặt lồng bè ở những nơi thông thoáng, tốc độ gió phù hợp. Gần nơi trú ẩn khi xảy ra giông bão, gió lớn. Không gần các đập xả tràn. Độ sâu phù hợp với lồng nuôi, đáy sông cách đáy lồng từ 0,5 -1 m. Thuận tiện trong việc vận chuyển thức ăn, con giống, xuất bán cá thương phẩm. Lưu ý: Đối với bè nuôi cá ở sông phải được cố định chắc chắn, còn bè nuôi cá ở hồ chứa có thể cố định tại một điểm bằng neo để bè có thể xoay theo hướng gió, tận dụng nguồn ôxy hòa tan tối đa trong nước.

 

 

Hỏi: Kỹ thuật chăm sóc cá điêu hồng nuôi trong lồng bè?

(Phan Thành Đạt, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang)

 

Trả lời:

Hàng ngày kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước pH, NH3, DO để phát hiện kịp thời những trường hợp nguồn nước không thuận lợi cho sức khỏe của cá, có kế hoạch di chuyển lồng bè nuôi đến những khu vực có nguồn nước an toàn.

 

Định kỳ nên trộn các dưỡng chất vào thức ăn cho cá như Vitamin C, premix khoáng, men tiêu hóa, men vi sinh, chế phẩm từ thảo dược (như chế phẩm từ tỏi) để cá hấp thu tốt dưỡng chất trong thức ăn tốt hơn và tăng cường sức đề kháng cho cá.

 

Định kỳ 15 ngày/lần, trộn thuốc vào thức ăn cho cá để diệt các nội ký sinh trùng bám trên đường ruột của cá (liều dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Mỗi lần nên cho cá ăn thuốc từ 1 - 2 ngày và cho ăn thuốc vào cữ ăn buổi sáng.

 

Hàng ngày cần kiểm tra bè nuôi, dây neo, lưới đảm bảo không bị rách tránh cá thất thoát ra ngoài. Vệ sinh lồng bè hàng ngày, loại bỏ rong rêu, rác bám vào thành lồng do dòng chảy mang tới, đảm bảo lồng thông thoáng. Định kỳ 1 tháng/lần thay lưới, mắt lưới phù hợp với kích cỡ của cá để đảm bảo việc trao đổi nước giữa trong và ngoài lồng, giúp cá khỏe mạnh và tăng trưởng tốt.

 

 

Theo Thủy sản Việt Nam.