CHĂN NUÔI VỊT

PHÒNG, TRỊ MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRÊN VỊT

6/7/2022 - 9:31 AM
Sau đây là một số bệnh thường gặp ở vịt, nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng, trị bệnh.

Dịch tả vịt

Nguyên nhân: Do virus thuộc nhóm Herpes trong họ Alphahen pesvivinae gây ra.

Ðặc điểm: Bệnh lây trực tiếp do sự tiếp xúc giữa vịt bệnh và vịt khỏe hoặc lây gián tiếp qua đường tiêu hóa. Bệnh có thể xảy ra ở vịt, ngan, ngỗng, loài thủy cầm khác.

Triệu chứng: Mí mắt, đầu và hầu cổ vịt sưng. Vịt thở khò khè, chảy nước mắt, mũi. Tiêu chảy phân trắng xanh, trắng xám, mùi tanh, hậu môn, niêm mạc hậu môn xuất huyết. Vịt gầy, bại liệt rồi chết.

Bệnh tích: Ðặc trưng là hiện tượng xuất huyết da, cơ. Xuất huyết và viêm loét đường tiêu hóa nặng phổ biến. Bao tim viêm, tích dịch, ngoại tâm mạc, mỡ vành tim, cơ tim xuất huyết.

Phòng bệnh: Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học. Tiêm phòng vaccine rất hiệu quả và an toàn.

Trong quá trình nuôi, thường xuyên theo dõi tình hình để phát hiện bệnh kịp thời (Ảnh: ST)

 

Cúm gia cầm

Nguyên nhân: Do virus cúm type A, Orthomyxovirus gây ra. Ở Việt Nam là type phụ H5 (H5N1, H5N6).

Ðặc điểm: Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Gia cầm mọi lứa tuổi (> 20 ngày) có thể mắc bệnh. Bệnh nặng trên gà, gà tây, ngan.

Triệu chứng: Vịt chảy nước mắt, nước mũi, mí mắt sưng. Tiêu chảy, phân có màu trắng hoặc xanh, mất nước da khô, gầy, lông xù, hậu môn và da chân xuất huyết. Triệu chứng thần kinh, lộn ngược, co giật, quay vòng. Xuất huyết da ống chân, da bàn chân. Sản lượng trứng giảm.

Phát hiện bệnh sớm giúp tăng khả năng điều trị và duy trì thể trạng tốt cho vịt. (Ảnh: ST)

Bệnh tích: Xuất huyết cơ đùi, cơ ngực, cơ tim, mặt trong xương ức. Xuất huyết mỡ vùng bụng, xung quanh dạ dày cơ, mỡ màng treo ruột. Dạ dày tuyến và dạ cơ xuất huyết, có vết loét nhỏ (không rõ như trên gà). Xuất huyết, hoại tử ở tụy tạng. Phổi phù nề, tụ huyết rất nặng. Khí quản xuất huyết. Lách lốm đốm màu trắng.

Phòng, trị bệnh: Thực hiện an toàn sinh học và tiêm vaccine để phòng bệnh. Bệnh không thể điều trị. Cần phát hiện sớm để loại thải vịt bệnh, tiêm phòng vaccine cho con khỏe.

Viêm gan do virus ở vịt        

Nguyên nhân: Do nhiều loại virus với nhiều type, type 1 (picornavirus), type 2 và type 3 (astrovirus) gây ra.

Ðặc điểm: Bệnh lây truyền qua thức ăn, nước uống và chất bài tiết của vịt. Con người, dụng cụ chăn nuôi, máy ấp bị nhiễm trùng. Bệnh thường xảy ra vịt, ngan, ngỗng < 6 tuần tuồi. Vịt < 1 - 2 tuần tỷ lệ bệnh và chết cao đến 100%.

 

Các bệnh tích của bệnh viêm gan ở vịt (Ảnh: MCSE)

Triệu chứng: Thường xảy ra đột ngột, vịt ít vận động, bỏ ăn, sã cánh, ít tiêu chảy, chết nhanh (sau 2 - 3 giờ nhiễm bệnh). Vịt co giật nằm nghiêng sườn hoặc ngửa, chân duỗi thẳng, đầu ngoẹo sang sườn hoặc lên lưng. Một số vịt chết mà không có triệu chứng rõ rệt.

Bệnh tích: Gan viêm, sưng, nhũn, gan xuất huyết lan rộng, không ranh giới. Lách hơi sưng có lốm đốm đỏ. Trên gan có đám tụ máu đỏ, hoặc những đám màu vàng nhạt do tổ chức gan bị thoái hóa, dễ vỡ. Các nốt xuất huyết ở bề mặt dưới của gan.

Phòng bệnh: Phòng bệnh bằng vaccine. Vịt, ngan con từ mẹ chưa tiêm phòng: Nhỏ mắt 1 liều ngay sau khi nở; Vịt, ngan con từ mẹ đã tiêm phòng 7 - 10 ngày tuổi, lặp lại sau 4 tuần; Vịt, ngan giống: Tiêm vaccine trước khi đẻ, tái chủng sau 6 tháng.

Tẩy uế sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi (virus có sức đề kháng cao). Tại vùng an toàn dịch nên tự túc con giống. Trứng, vịt con phải mua từ đàn khỏe mạnh. Máy ấp phải được tiêu độc kỹ.

Ðiều trị: Loại thải con bệnh. Ðiều trị dự phòng bằng kháng thể đặc hiệu.

 

PGS.TS Hồ Thị Việt Thu

Ðại học Cần Thơ.