CHĂN NUÔI GIA CẦM

Tiết kiệm nhờ nuôi gà đẻ không lồng

6/19/2017 - 8:28 AM
Một công ty chuyên thiết kế, xây dựng mô hình nông nghiệp phối hợp với Công ty Rose Acre Farms đã cho ra đời sản phẩm chuồng gà kiểu mới giúp người nuôi tiết kiệm hơn nhiều so với kiểu chuồng nuôi truyền thống.

Vào tháng 4 vừa qua, Summit Livestock Facilities và Rose Acre tổ chức buổi họp báo để giới thiệu sản phẩm chuồng nuôi gà đẻ gần hoàn thiện của Rose Acre tại hạt Pulaski, bang Indinana, Mỹ. Trong bài thuyết trình về sản phẩm, đội ngũ thiết kế của Summit Livestock cho biết, phát minh mới này tập trung vào cải thiện chuồng nuôi gà đẻ.

 

Trại nuôi gà đẻ này là một trong ba hợp phần “Cung cấp thiết bị trọn gói” của Rose Acre trong khu phức hợp. Công ty đã cho san bằng 6 khu chuồng gà nuôi nhốt để xây dựng khu nuôi thả. Chuồng nuôi thả đầu tiên của khu phức hợp đã nhận 378.000 con gà đầu tiên vào tháng 1/2017. Lứa tiếp theo được nhập trong tháng 5/2017 và được đưa vào khu chuồng thứ hai. Lứa cuối cùng sẽ được đưa vào khu chuồng thứ ba vào tháng 7 này. Theo thông tin từ Summit, chi phí xây dựng theo thiết kế của mô hình “cung cấp thiết bị trọn gói” là 44 - 45 USD/con gà, tương đương với mức tổng đầu tư 10 triệu USD cho một chuồng nuôi. 

  

Thiết kế bao trùm thiết bị

 

Trong buổi phỏng vấn với Tạp chí Egg Industry, Chủ nhiệm Ban xây dựng của Công ty Rose Acre Miles Ridgway; Chuyên gia về ngành chăn nuôi gà Bryan Culp đã giải thích các khái niệm cơ bản của ý tưởng thiết kế bao trùm thiết bị (Wrap - the - Equipment). 

 

 

Cái tên đã nói lên tất cả, kiểu chuồng nuôi này sử dụng mô hình chuồng nuôi truyền thống nhưng gia cố lại với phần kết cấu bên trên được làm chắc hơn, sau đó ráp các tấm panel kim loại cách nhiệt dày 5 cm theo chiều ngang bao phủ toàn bộ khu chuồng. Cách lắp ráp theo chiều ngang giúp loại bỏ phần khung phụ và có tác dụng tạo luồng không khí thông thoáng mà không ảnh hưởng đến năng suất vật nuôi. 

 

 

Kiểu xây dựng mới này khác với kiểu chuồng nuôi truyền thống ở chỗ, mô hình truyền thống bắt đầu bằng việc xây chuồng rồi sau đó mới đưa các thiết bị vào lắp ráp. Kiểu chuồng này thì khác, cách xây dựng và mô hình nuôi không cần lồng cho phép việc đưa các thiết bị và chuẩn bị sàn chuồng đều được thực hiện cùng lúc, sau đó mới lắp ráp mái và làm tường bao xung quanh. 

 

 

 

 

Theo thông tin từ Summit, cách xây dựng này cho phép “tăng tính bền vững và cân bằng giữa chuồng trại và thiết bị đi kèm nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư cho cơ sở hạ tầng”. Còn xét về lợi thế ngắn hạn, Ridway và Culp cho biết, so với mô hình truyền thống,  mô hình này đẩy nhanh tốc độ thi công, đồng thời giảm chi phí đầu tư. Cụ thể là có thể đưa gà vào nuôi sớm hơn, thu hoạch trứng sớm hơn 8 tuần so với mô hình truyền thống. 

 

 

“Biết được cách xây dựng như thế nào để đáp ứng đủ công suất mà lại tiết kiệm chi phí nhất là yếu tố then chốt để thành công trong ngành sản xuất đạm động vật”, ông Ed Bahler cho biết. 

 

 

Ngoài ra, mô hình thiết kế “Wrap - the - Equipment” cũng giúp chủ đầu tư tiết kiệm được một khoản từ các vật liệu thừa, nhân công và tính toán thời điểm hoàn công chính xác để bắt đầu thả nuôi. Các tấm panô kim loại giúp tạo môi trường thông thoáng trong những ngày hè và tăng hiệu quả sử dụng trong những tháng mùa thu, đồng thời giảm bề mặt tiếp xúc của vi khuẩn, góp phần giảm dịch bệnh trong trại nuôi. Thép không gỉ được dùng để tăng độ vững chắc cho những khu vực trước đây đã được chứng minh là dễ bị yếu mục, nhờ đó giúp tăng tuổi thọ chuồng nuôi đến hơn 50 năm, Ban lãnh đạo của Summit cho biết. 

 

  

Lợi ích nuôi không lồng 

 

Chuồng nuôi không lồng không có cửa nên gà có thể đứng, nằm, chạy và thậm chí bay được. Giữa chuồng có một bức tường ngăn để có thể lắp đặt máng ăn, máng nước và hệ thống thông gió cung cấp cho cả hai bên chuồng. Bằng cách này, người nuôi có thể đảm bảo an sinh động vật ở mức tối đa. 

 

 

Trong nhà được thiết kế các hốc, góc để gà vào đẻ trứng và có băng tải để vận chuyển trứng. Với cách làm này, gà có nhiều diện tích đẻ hơn và trứng được giữ an toàn, tránh hao hụt. Hệ thống thông gió được lắp đặt bên ngoài giúp tạo luồng không khí thông thoáng, giảm nồng độ amonia trong toàn bộ khu nhà nuôi. Thiết kế này cũng bao gồm một hệ thống băng tải vận chuyển phân ra khỏi khu nhà để giảm mùi. Phân gà thường có độ ẩm 12 - 14%, được cho là phân chất lượng cao, ít ruồi nhặng.

 

 

Theo Người chăn nuôi