CHĂN NUÔI GIA CẦM

NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG VACXIN CHO VẬT NUÔI

3/9/2020 - 10:56 AM
Hiện đang là thời điểm tái đàn vật nuôi. Với những bất lợi của ngoại cảnh và dịch bệnh hoành hành như hiện nay, ngoài kỹ thuật chăm sóc thì người chăn nuôi cũng cần biết sử dụng vacxin để phòng bệnh.

 

Vacxin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Việc dùng vacxin để phòng bệnh cho vật nuôi gọi chung là tiêm phòng.

Có 2 loại vacxin chủ yếu là vacxin sống (vacxin nhược độc) và vacxin chết (vacxin vô hoạt). Vacxin sống là giảm độc lực là các vi sinh vật được nuôi cấy dưới những điều kiện đặc biệt nhằm giảm đặc tính độc hại của chúng. Các vacxin sống có khả năng gây miễn dịch tốt hơn so với vacxin vô hoạt.

Vacxin sống thường gây miễn dịch sớm (3 – 4 ngày sau khi tiêm) thời gian miễn dịch tương đối dài. Nhưng những loại vacxin này khi dùng dễ gây phản ứng, đòi hỏi nhiệt độ bảo quản thấp, có thể lây bệnh không điển hình hoặc làm trỗi dậy các bệnh khác sau khi tiêm.

Vacxin chết là các vi sinh vật độc hại bị chết bằng hóa chất hoặc nhiệt độ. Hầu hết các vacxin này chỉ đáp ứng khả năng miễn dịch không hoàn toàn và ngắn hạn, cần phải tiêm nhắc lại nhiều lần. Đây là loại vacxin an toàn, ổn định và dễ sử dụng, nhưng hiệu lực thường kém và thời gian sử dụng ngắn.

 

 

Sau khi tiêm vac-xin, vật nuôi có thể bị phản ứng do các chất phụ trong vac-xin, tiêm vào cơ thể đang nung bệnh hoặc tiêm sâu vào bắp thịt. Phản ứng cục bộ tại chỗ tiêm là sưng, nóng, đau… sau một thời gian phản ứng này sẽ mất. Nếu có phản ứng cục bộ cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm.

Trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây áp-xe mủ thì phải điều trị bằng kháng sinh. Tiêm vacxin còn có thể gây phản ứng dị ứng (phản ứng xảy ra nhanh sau khi tiêm). Vật nuôi thể hiện sốt, run rẩy, nôn mửa, thở gấp, nổi mẩn trên mặt da (thường gặp ở lợn). Nếu phản ứng ở mức độ nhẹ thì sau một thời gian sẽ hết, nếu phản ứng ở mức độ nặng thì vật nuôi có thể bị chết.

Để tránh phản ứng ở mức độ nặng thì phải chú ý đến liều lượng tiêm, thể trạng vật nuôi. Khi có hiện tượng dị ứng nên sử dụng các loại thuốc chống dị ứng như Epharin, Adrenalin.

Dùng vacxin chủ yếu là phòng bệnh và sau khi tiêm vacxin một thời gian nhất định vật nuôi mới có khả năng tự miễn dịch. Vì vậy, khi tiêm vacxin cần phải thực hiện theo đúng những nguyên tắc sau:

– Đối tượng tiêm phòng: Thực hiện tiêm phòng hàng năm đối với những vùng có ổ dịch cũ, vùng có nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa. Ở những nơi chưa có dịch chỉ nên dùng vacxin chết. Nên dùng vacxin cho vật nuôi khi mới nhập về và tiêm phòng đúng lịch cho vật nuôi khi người chăn nuôi xác định nuôi con gì. Vacxin phòng bệnh nào thì thường chỉ phòng được loại bệnh đó, không phòng được bệnh khác.

– Hiệu lực của vacxin: Tình trạng sức khỏe của vật nuôi sẽ ảnh hưởng tới hiệu lực của vacxin. Chỉ tiêm phòng khi vật nuôi có thể trạng khỏe mạnh vì lúc đó chúng mới có khả năng đáp ứng miễn dịch cao. Không tiêm vacxin cho những con đang ủ bệnh, những con quá gầy yếu, quá non, con mẹ mới đẻ, những con đang gặp stress, vật nuôi đang mang thai, vật nuôi mới thiến chưa lành vết thương, dời chuồng, tẩy giun, bắt đầu thay đổi khẩu phần ăn.

– Thời gian vacxin tác dụng: Sau khi tiêm vacxin, cơ thể sẽ tạo được miễn dịch sau 2 – 3 tuần. Trong thời gian đó, động vật chưa có miễn dịch đầy đủ nên vẫn có thể mắc bệnh và phát bệnh. Hiện tượng này có thể dẫn đến những nhận định sai lầm vì cho rằng vacxin không có hiệu lực. Vacxin gây ra những phản ứng hoặc vacxin gây bệnh. Liều sử dụng vacxin: Cần sử dụng vacxin (cho uống, nhỏ mắt hoặc tiêm) đúng theo chỉ định của nhà sản xuất. Nếu sử dụng thấp hơn liều quy định sẽ làm giảm hiệu lực của vacxin. Liều cao hơn có thể làm tê liệt miễn dịch hoặc gây ra phản ứng phụ.

– Kiểm tra lọ vacxin: Trước khi sử dụng bất cứ lọ vacxin nào cũng cần phải kiểm tra những chi tiết sau: Thông tin trên nhãn (chi tiết này cần ghi vào sổ để theo dõi nếu gặp sự cố khi sử dụng), tên vacxin (có đúng với nhu cầu sử dụng không), số lô, số liều sử dụng, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, quy cách bảo quản.

Mặt khác, cần kiểm tra nút của lọ chặt hay lỏng, nguyên vẹn hay bị rách, tình trạng lớp thiếc bọc bên ngoài, lọ thủy tinh có bị rạn nứt không, tình trạng thuốc trong lọ (màu sắc có bình thường không, vacxin có bị vón không, có vật lạ trong lọ như bụi than, côn trùng, sợi bông không, khi lắc lọ vacxin có tạo thành một dung dịch đồng nhất hay không?).

– Thao tác khi sử dụng vacxin: Khử trùng các dụng cụ dùng để pha chế vacxin bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa bằng nước sạch (nước đã sôi để nguội). Không được rửa bằng thuốc sát trùng. Sát trùng tay người thực hiện, vùng da được tiêm, nút cao su của lọ chứa vacxin vô trùng bằng cồn 70 độ.

– Bảo quản vacxin trong ngăn mát: Đối với vacxin nhược độc được điều chế từ virus phải bảo quản ở nhiệt độ thấp (-15°C) trong quá trình tích trữ và vận chuyển, nhưng nếu ở trạng thái đông khô thì cần được bảo quản lạnh ở 1 – 4°C (ngăn đá của tủ lạnh).

Khi đem đi tiêm để vacxin vào bình kín, giữ lạnh có đá lạnh để bảo quản. Phải hủy bỏ vacxin quá hạn dùng, đối với vacxin còn thừa nên tiêu hủy ở những nơi quy định, không vất bỏ bừa bãi, nhất là vacxin sống, để không tạo ra biến chủng phức tạp cho việc phòng chống dịch bệnh sau này.

* Lưu ý: Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời vì có thể làm hư hỏng vacxin (nhất là vacxin sống).

 

Hồng Phong

Nguồn: Báo Nông Nghiệp Việt Nam