Tuân thủ quy trình tối ưu về vệ sinh, sát trùng chuồng trại giúp duy trì môi trường chăn nuôi lành mạnh, giảm tác động xấu của dịch bệnh, tối ưu hóa hiệu suất chăn nuôi và phúc lợi của đàn gà, đồng thời đảm bảo các vấn đề an toàn thực phẩm.
Ðã có nhiều quy trình được đề xuất, áp dụng trong thực tế, tuy nhiên việc xác định hiệu quả của mỗi quy trình chưa được đánh giá thống nhất. Quy trình 10 bước trong chăn nuôi gà thịt theo tiêu chuẩn GlobalGAP do Aviagen đề xuất đã được đa số các cơ sở chăn nuôi trên thế giới công nhận và áp dụng.
1. Xây dựng kế hoạch
Bất kỳ chương trình vệ sinh và sát trùng chuồng nuôi gia cầm an toàn sinh học nào cũng sẽ bắt đầu với một kế hoạch bao gồm chi tiết ngày, giờ, yêu cầu về nhân lực và các trang thiết bị cần thiết. Kế hoạch này nên được thiết lập trước khi xuất bán lứa gà trước 1 - 2 tuần.
2. Phun thuốc diệt côn trùng, ấu trùng
Phun thuốc diệt côn trùng, ấu trùng được khuyến cáo làm ngay sau khi đàn gia cầm được xuất bán và trong khi chuồng vẫn còn ấm. Ðây là công đoạn luôn được làm trước khi tiến hành xông chất sát trùng. Lưu ý, cần lựa chọn các loại thuốc sát trùng hợp lý, tin cậy trên thị trường và cần trang bị các dụng cụ bảo hộ thích hợp cho người tiến hành.
3. Loại bỏ bụi
Loại bỏ tất cả bụi, mạng nhện khỏi bề mặt cũng như các thiết bị bên trong như máng ăn, máng uống, hệ thống sưởi…
4. Phun dung dịch tẩy
Một lần nữa, sử dụng thiết bị bảo hộ thích hợp để xịt dung dịch tẩy rửa toàn bộ bên trong chuồng nuôi gà thịt để làm ẩm hết bụi còn sót lại. Ðể tăng hiệu quả của bước này, cần đóng toàn bộ rèm cửa trong chuồng nuôi gia cầm trước khi phun.
5. Tháo thiết bị
Tháo rời tất cả thiết bị khỏi chuồng, đối với hệ thống cung cấp thức ăn và nước uống tự động không thể tháo rời cần nâng cao để tiện cho tiến hành các bước tiếp theo.
Cần đảm bảo nguồn nước sạch cho gia cầm. Ảnh: Shutterstock.
6. Loại bỏ chất độn chuồng
Tất cả chất độn chuồng và các chất thải khác phải được dọn đi cách xa ít nhất 2 - 3 km và xử lý theo quy định của ngành.
7. Rửa chuồng
Sử dụng máy phun rửa áp lực cao cùng với chất tẩy rửa tạo bọt. Cần lưu ý lựa chọn chất tẩy rửa tương thích với chất khử trùng đã được sử dụng trước đó. Sau khi phun rửa bằng nước mát, tốt nhất nên phun rửa lại bằng nước nóng.
8. Vệ sinh hệ thống cấp nước và các thiết bị
Các ống nước nên được làm sạch ít nhất một lần cho mỗi lứa để loại bỏ bất kỳ lớp màng sinh học nào tích tụ trong lòng ống. Nếu không thể làm sạch vật lý, hãy sử dụng Clo nồng độ cao (140 ppm) để sát khuẩn. Cần xối lại nước sạch trước khi cung cấp cho đàn gà. Ngoài ra cần đổ các chất thừa, rửa và khử trùng tất cả thiết bị cho ăn, các thùng rác và các đường ống nước thải, khí thải. Làm sạch và bịt kín tất cả khe hở. Những vị trí khó vệ sinh có thể xông sát trùng.
9. Khử trùng
Sử dụng chất khử trùng đã được cấp phép và đã được chứng minh có hiệu quả để loại bỏ tất cả loại vi khuẩn và virus trong chuồng nuôi. Lưu ý, luôn tuân thủ nghiêm hướng dẫn của nhà sản xuất. Hầu hết các chất khử trùng không có hiệu quả đối với noãn bào cầu trùng và phun lên bề mặt có bụi bẩn và chất hữu cơ. Mặt khác, không nên áp dụng cho bề mặt ẩm ướt vì điều này sẽ dẫn đến pha loãng nồng độ thuốc sát trùng.
10. Xông formalin
Việc khử trùng bằng formalin có nhiều rủi ro nên cần được giao cho nhân viên được đào tạo và tuân theo các quy định và hướng dẫn về an toàn. Tiến hành xông càng sớm càng tốt ngay sau khi khử trùng; Khi xông bề mặt phải ẩm và đạt tối ưu khi nhiệt độ trong chuồng 21 - 230C và độ ẩm lớn hơn 65%. Ðóng kín chuồng trong 24h sau khi xông. Trước khi cho phép ra vào lại, hãy thông gió trong nhà để giảm lượng formalin xuống 2 ppm. Quy trình xông formalin được lặp lại tương tự sau khi đã rải chất độn chuồng.
>> Ngoài 10 bước trên, để công tác vệ sinh chuồng nuôi gà thịt đạt hiệu quả cao nhất cần lưu ý: Các khu vực bên ngoài xung quanh chuồng cũng cần được làm sạch và khử trùng kỹ lưỡng. Cần đặc biệt chú ý đến các khu vực bên dưới quạt thông gió, dưới thùng thức ăn, đường vào, xung quanh cửa. Tốt nhất, chuồng gia cầm nên được bao quanh bởi một khu vực bê tông hoặc sỏi (chiều rộng 1 - 3 m). Nếu không được thì khu vực xung quanh chuồng không nên có thảm thực vật, không để máy móc thiết bị, bề mặt bằng phẳng, thoát nước tốt.
Theo Tạp chí Gia cầm.