Theo Th.sỹ Bùi Đức Đồng: “Chìa khoá thành công là phải làm sao để cá đủ ăn, đủ thở từ đó có sức đề kháng, dinh dưỡng tốt đảm bảo tăng trưởng nhanh...
Muốn hình thành những vùng nuôi thủy sản sạch quy mô hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững ở miền Bắc, dứt khoát phải thay đổi lối mòn tư duy của nông dân. Đặc biệt là chương trình dinh dưỡng và quản lý ao nuôi.
Cá phải “đủ ăn và dễ thở”
Thôn Ngọc Động, xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa là vùng nuôi cá trọng điểm của thành phố Hà Nội, với diện tích ao nuôi trên 200ha. Tuy nhiên, theo thạc sĩ thủy sản Bùi Đức Đồng: “Ở đây chưa có mô hình nuôi cá sạch”.
Không chỉ vùng nuôi thủy sản xã Phương Tú, mà hầu hết các ao nuôi của miền Bắc nước ta thường xảy ra hiện tượng cá chết từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm. Nguyên nhân là do môi trường ao nuôi bị ô nhiễm và có nhiều độc tố (như khí H2S, NH3). Nguồn phát ra khí độc trên chủ yếu là do bà con sử dụng phân chuồng làm thức ăn cho cá quá nhiều; tồn dư thức ăn và quá nhiều bùn đáy.
Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ trên 32 độ C, khí độc H2S, NH3 sản sinh nhiều hơn, sẽ hấp thụ khí ô xi trong nước ao, do đó cá sẽ bị ngạt khí, sức đề kháng yếu đi. Đây là thời cơ tốt để các loài vi khuẩn có hại sinh sôi, tấn công khiến cá chết (đặc biệt là vi khuẩn Streptococcus gây xuất huyết cho cá rô phi).
Theo thạc sĩ Bùi Đức Đồng: “Chìa khoá thành công là phải làm sao để cá đủ ăn, đủ thở từ đó có sức đề kháng, dinh dưỡng tốt đảm bảo tăng trưởng nhanh. Không cho cá ăn thức ăn dư thừa và định kỳ “giải độc” cho môi trường sống của cá.
Để làm được điều đó, giải pháp hữu hiệu nhất là sử dụng vi sinh gốc EM hoặc DM để cải tạo ao nuôi. Chúng là những vi sinh vật hữu hiệu, có khả năng phân hủy chất hữu cơ dư thừa (từ phân chuồng và thức ăn) và bùn đáy, hạn chế tối đa việc sản sinh khí độc. Bên cạnh đó, chế phẩm này có nhiều vi sinh vật có khả năng ức chế các vi khuẩn gây bệnh cho cá.
Để tăng nồng độ ô xi trong nước và giảm nhiệt bề mặt nước trong thời tiết nắng nóng, các ao nuôi cần lắp đặt hệ thống sục khí (dàn quạt khí). Nó có tác dụng tạo ra môi trường lý tưởng để các vi sinh vật có lợi phát triển; cân bằng nhiệt độ nước ở tầng mặt và tầng đáy, tránh gây hiện tượng cá bị sốc nhiệt.
Đồng thời, việc sục khí cũng giúp cho khí độc trong ao thoát khỏi mặt nước nhanh hơn, tăng cường khí ô xi giúp cá dễ thở. Sinh vật gốc EM và DM… cũng giúp kiểm soát sự phát triển của tảo (tảo tổng hợp CO2 và sinh ra ô xi đều), đồng thời phân hủy chất hữu cơ những cây tảo bị chết thối lưu ở tầng đáy làm cho ao nuôi sạch hơn.
Cán bộ kỹ thuật Thuỷ sản Công ty CP dinh dưỡng Hồng Hà hướng dẫn người chăn nuôi kiểm tra nguồn nước trong ao nuôi
Dinh dưỡng độ đạm cao
Ngoài các giải pháp bảo vệ môi trường nuôi, chương trình dinh dưỡng cho cá là rất quan trọng. Theo kỹ sư thủy sản Phạm Trung Dũng, hiện nay các chủ ao ở khu vực phía Bắc thường cho cá ăn bằng cám ngô hoặc cám gạo. Điều này vừa lãng phí, vừa không hiệu quả.
Thứ nhất, hàm lượng protein (đạm) trong cám ngô nguyên chất khoảng 7%, cám gạo nguyên chất là 10 – 11%. Để đạt được hàm lượng đạm (protein) trong 1kg thức ăn là 30% (như dòng sản phẩm thức ăn thủy sản hỗn hợp Cánh buồm đỏ mã số 9204 (chuyên cho cá trắm, chép) của Cty CP Dinh dưỡng Hồng Hà), cần phải tiêu tốn tương đương 4,5kg ngô (tổng chi phí khoảng 26.000 đồng) hoặc 3 kg gạo (tổng chi phí khoảng 30.000 đồng).
Nếu so sánh giá 1kg cám Cánh buồm đỏ 9204 độ đạm 30% (12.000 - 13.000 đồng/kg) thì rõ ràng, sử dụng cám công nghiệp sẽ giảm chi phí thức ăn rất lớn. Bên cạnh đó, hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) cám Cánh buồm đỏ 9204 là 1,6 - 1,8kg/kg cá thịt (như vậy, chi phí thức ăn cho 1kg thịt cá chép, trắm chỉ 21.000 đồng). Trong khi đó, hệ số chuyển hóa thức ăn của cám ngô, cám gạo cao hơn nhiều lần.
Việc sử dụng cám thủy sản với hàm lượng dinh dưỡng cao sẽ giúp giảm lượng thức ăn đổ xuống ao, do đó hạn chế tối đa thức ăn dư thừa, giúp cá lớn nhanh và rút ngắn thời vụ nuôi thả. Đồng nghĩa với đó, nguy cơ dịch bệnh hại cũng giảm xuống.
Ông Vũ Trung Học, chủ khu đầm nuôi cá lớn ở thôn Bắc Cường, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết: Khi sử dụng cám thủy sản Cánh buồm đỏ, cá lớn rất nhanh. Hệ số chuyển đổi thức ăn trung bình chỉ 1,6kg thức ăn/1kg thịt cá. Đáng mừng là tỷ lệ biểu cá loại 1 lên tới 70%, do đó giá bán cao hơn các ao nuôi khác từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Trong điều kiện cá rô phi rớt ra thảm hại như thời điểm hiện tại (30.000 đồng/kg), trừ chi phí, ông Học lẫn lãi được khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg. Thời điểm giá cá bình thường, 4.000m2 ao nuôi của ông có thể thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Tuy nhiên, ông Học cũng cho biết, muốn đưa chế độ dinh dưỡng cao cho cá, cần phải áp dụng các biện pháp tổng thể khác như sử dụng máy quạt khí và tuân thủ chặt chẽ việc quản lý môi trường nước trong ao nuôi. Bởi nguyên tắc vàng để cá lớn là: “ăn đủ (dinh dưỡng) và dễ thở”.
|
Theo Nông nghiệp