Thối mang là một trong những bệnh nguy hiểm trên cá điêu hồng. Bệnh làm cá chết hàng loạt, ảnh hưởng đến sản lượng và gây thiệt hại cho nhiều hộ nuôi.
Nguyên nhân
Bệnh do vi khuẩn dạng sợi Myxococcus piscicolas gây ra. Vi khuẩn thuộc họ Myxococcaceae, bộ Myxococcales, lớp Deltaproteobacteria, ngành Proteobacteria. Vi khuẩn có hình sợi, mềm dễ uốn cong, hai đầu tròn, thường hơi cong, có lúc thành nửa vòng tròn, hình chữ U. Kích thước vi khuẩn 0,8 x 2 - 2,4 µm, cá biệt có vi khuẩn dài tới 37 µm. Vi khuẩn bắt màu Gram âm, sinh sản bằng phương pháp cắt ngang, không có tiên mao, vận động theo kiểu trượt hoặc rung lắc. Sinh trưởng nhanh trên mặt môi trường đặc. Khuẩn lạc dạng khuếch tán, lúc đầu có màu sắc giống của môi trường thạch, sau đó từ màu vàng nhạt chuyển sang màu vàng ánh. Mép khuẩn lạc hình rễ cây, ở giữa hơi lồi, đường kính nhỏ hơn 3 mm. Nếu trên mặt đĩa môi trường cấy thưa, ở nhiêt độ 21 – 25 oC thường sau 48 giờ ở giữa khuẩn lạc mọc một quả hình nón nhỏ màu vàng trắng, bề mặt trơn có tính chiết quang. Vi khuẩn sinh trưởng tốt ở môi trường có tính pH = 6,5 - 7,5, không sinh trưởng ở pH <6 và pH >8,5. Nhiệt độ 25oC vi khuẩn sinh trưởng tốt, tính độc mạnh, nhiệt độ 18oC sinh trưởng chậm nhưng tính độc mạnh. Nhiệt độ 35 oC sinh trưởng tốt nhưng tính độc yếu. Nhiệt độ 40oC sinh trưởng chậm tính độc yếu, nhiệt độ 4oC không sinh trưởng.
Đặc điểm
Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân, đầu hè, mùa thu, thích hợp ở nhiệt độ nước 25 – 35 oC, khi hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp, cá nuôi lồng, bè mật độ cao, nước lưu thông kém, ở cá nuôi ao có nhiều mùn bã hữu cơ. Bệnh xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi (50 - 70%). Bệnh hay xảy ra ở cá có trọng lượng từ 100 g trở lên. Bệnh thường kết hợp bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn Aeromonas spp di động và Pseudomonas spp.;
Dấu hiệu
Cá bệnh có dấu hiệu bơi tách đàn, bơi lờ đờ trên mặt nước. Khả năng bắt mồi giảm đến ngừng ăn. Các tơ mang cá bị thối nát, ăn mòn, rách nát, xuất huyết, thối rữa và có lớp bùn dính rất nhiều. Bề mặt xương nắp mang bị xuất huyết, ăn mòn và có hình dạng không bình thường. Khi cá bị nhiễm bệnh nặng kiểm tra có sự dính nhau của các cơ quan nội tạng với màng trong khoang bụng của cá, quan sát thấy có các tơ huyết trong màng ở khoang bụng.
Phòng bệnh
Để kìm hãm sự phát triển của tác nhân gây bệnh trong hệ thống nuôi, trước mỗi vụ nuôi cần vệ sinh sạch, tát cạn, khử trùng ao nuôi sử dụng vôi bột, diệt tạp, khử trùng lưới, dụng cụ trong các dung dịch sát trùng.
Người nuôi cần quan tâm đến khâu chọn giống, giống mua ở những cơ sở uy tín, chất lượng ổn định, không xây xát, mất nhớt. Cá giống trước khi đưa vào ao nuôi cần được kiểm tra và xác định là không nhiễm mầm bệnh nguy hiểm. Thuần dưỡng trước khi thả. Thực hiện tốt kỹ thuật thả cá, cần thả vào sáng sớm hoặc chiều mát, thời điểm hàm lượng ôxy nhiều.
Thối mang là một trong những bệnh nguy hiểm trên cá điêu hồng. Bệnh làm cá chết hàng loạt, ảnh hưởng đến sản lượng và gây thiệt hại cho nhiều hộ nuôi.
Căn cứ vào diện tích và cỡ cá thả để tính mật độ thả phù hợp. Không nên nuôi quá thưa làm lãng phí diện tích ao, lồng nuôi. Tránh mật độ nuôi quá dày dẫn đến cạnh tranh về dinh dưỡng, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh khi nuôi.
Cho cá ăn đúng giờ, tránh cho ăn quá mức gây dư thừa thức ăn làm tăng chi phí sản xuất và dễ gây ô nhiễm môi trường. Không nên sử dụng thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn so với nhu cầu dinh dưỡng của cá, chất lượng không đảm bảo làm cá gầy yếu, giảm sức đề kháng, kéo dài thời gian nuôi và dẫn đến năng suất thấp. Nên có sàng ăn để kiểm soát lượng thức ăn tốt hơn đối với nuôi ao.
Trong khẩu phần ăn hằng ngày nên bổ sung thêm men tiêu hóa để tạo hệ vi sinh có lợi trong đường ruột cá, giúp cá tiêu hóa tốt hơn, cải thiện sức khỏe cũng như khả năng miễn dịch của cá.
Định kỳ bổ sung Vitamin C, khoáng chất để chống sốc cho cá khi thời tiết thay đổi cũng như giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi.
Phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe cá để có cách xử lý kịp thời khi có bất thường xảy ra.
Trị bệnh
Khi phát hiện bệnh, cần loại bỏ cá yếu, bệnh ra khỏi khu vực nuôi. Tiến hành diệt khuẩn nước ao nuôi bằng các loại thuốc sát trùng BKC hoặc Benkocid theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Chú ý, không xử lý nước nuôi cá bằng vôi. Sau khi ngừng sử dụng kháng sinh từ 3 - 5 ngày, cần dùng chế phẩm vi sinh có lợi để cân bằng sinh thái ao nuôi.
Điều trị ngay bằng kháng sinh: Doxycyline 3 g + Amoxcyline 2 g/kg thức ăn, cho ăn trong 7 - 10 ngày.
Theo Thủy sản Việt Nam.