XUẤT KHẨU BỀN VỮNG VÀO THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

4/12/2023 - 10:47 AM
Trung Quốc là một thị trường lớn, quan trọng của thế giới, song xuất khẩu vào Trung Quốc thường tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, do cơ chế thị trường tại đây chưa thật sự phát triển. Một chính sách thay đổi có thể kéo theo rất nhiều hệ lụy cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nước khác. Việc xuất khẩu bền vững vào thị trường đông dân nhất thế giới được coi là hướng đi của ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

Thích ứng với những thay đổi về chính sách

 

Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng đầu thế giới, song nước này cũng là một thị trường nhập khẩu thủy sản quan trọng của toàn cầu. Năm 2022, tổng lượng thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc đạt 4,54 triệu tấn, tăng khoảng 25,1% so năm 2021, tổng giá trị nhập khẩu đạt 19,84 tỷ USD, tăng 37,3% so năm 2021 -  mức tăng cao thứ hai trong vòng 5 năm.

 

Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu là mặt hàng cá. Năm 2022, cá đông lạnh nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 45,4% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản. Đây vẫn là thuận lợi cho ngành cá tra Việt Nam trong tương lai gần.  Trung Quốc đang nhập khẩu tôm với khối lượng lớn. Năm 2022, tổng lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc đạt 818.400 tấn, tăng khoảng 43,2% so với 2021 và tổng giá trị đạt 5,312 tỷ USD, tăng khoảng 54,4%.

 

 

Việt Nam cần ưu tiên quan tâm hơn đến thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường châu Á nói chung trong năm 2023. Ảnh: Vnexpress

 

Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2022 đạt 476,8 nghìn tấn, trị giá 1,57 tỷ USD, tăng 32,7% về lượng và tăng 61,2% về trị giá so năm 2021. Đây có thể nói là con số ấn tượng trong hoàn cảnh nước láng giềng xiết chặt việc xuất, nhập khẩu để phòng chống đại dịch thế kỷ. Nổi bật trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc chính là sản phẩm cá tra. Năm 2022, xuất khẩu cá tra, basa tăng 30,1% về lượng và tăng 59,8% về trị giá, khiến Trung Quốc trở thành thị trường quan trọng nhất đối với mặt hàng này của Việt Nam. Xuất khẩu tôm các loại tăng 33,2% về lượng và tăng 76,6% về trị giá; cá khô tăng 71,4% về lượng và tăng 80,8% về trị giá; mực các loại tăng 27% về lượng và tăng 49% về trị giá.

 

Nhu cầu tiêu thụ nông sản cũng như thị trường nông sản tại Trung Quốc rất sôi động, song nó phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách xuất, nhập khẩu của quốc gia này. Trong hai năm 2021 và 2022, Trung Quốc hai lần sửa đổi Luật An toàn thực phẩm. Đặc biệt là chính sách “Zero COVID” được thực hiện suốt 3 năm qua đã khiến việc xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc gặp muôn vàn khó khăn, chi phí tăng, thời gian kéo dài, sản lượng trồi sụt khó lường.

 

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào Trung Quốc vẫn luôn tăng trưởng đáng kể mà lý do chính là khoảng cách địa lý gần gũi khiến việc vận chuyển dễ dàng, chi phí thấp, các mặt hàng nông sản, trong đó có thủy sản, sẽ giữ được độ tươi ngon thu hút cảm quan người tiêu dùng.

 

Năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc lại một lần nữa ảnh hưởng từ chính sách vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc, nhất là việc nới lỏng chính sách “Zero COVID”, khiến số người nhiễm gia tăng cũng như hoạt động kinh doanh tại quốc gia này bị ảnh hưởng ít nhiều.

 

Theo thông báo, từ ngày 8/1/2023, Cơ quan Quốc gia về Quy định thị trường của Trung Quốc đã chính thức ngừng xét nghiệm và khử trùng Covid-19 đối với thực phẩm đông lạnh và ướp lạnh. Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng đã ngừng xét nghiệm Covid-19 đối với các lô hàng đông lạnh và ướp lạnh đến các cảng của nước này. Các chuyên gia dự báo xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc sẽ tăng đáng kể trong năm 2023.

 

Lan tỏa thương hiệu Việt tại Trung Quốc

 

Nếu như trước đây, xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch thì xu thế hiện nay, nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đang ngày càng trở nên quan trọng hơn.

 

 

Bộ NN&PTNT cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã chính thức phê duyệt, bổ sung thêm 23 cơ sở chế biến thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, như vậy, hiện đã có tới 802 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang quốc gia láng giềng.

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh tại Hội nghị Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt – Trung trong bối cảnh mới ngày 14/2 vừa qua: “Trung Quốc là một đối tác lịch sử, truyền thống và mang tính định hướng lâu dài. Chúng ta cần làm tốt công tác giao thương thương mại, bởi điều ấy góp phần nâng cao quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, giúp định hình, làm sâu sắc hơn mối quan hệ Việt - Trung”.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, để xuất khẩu bền vững vào Trung Quốc, các doanh nghiệp cần thích ứng với những chính sách từ thị trường này, đồng thời quan tâm tôn trọng những đặc trưng văn hóa của họ. Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng giới doanh nghiệp không nên chỉ quan tâm đến việc lỗ lãi mà cần phải tạo ra một “hệ sinh thái ngành hàng” Việt Nam tại Trung Quốc từ đó tạo ra sức lan tỏa của sản phẩm Việt tại thị trường này.

 

Dân gian có câu: “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Trong bối cảnh lạm phát diễn ra phức tạp trên toàn thế giới, chiến tranh xung đột Nga - Ukraine, chi phí đầu vào tăng, chi phí vận chuyển đắt đỏ, với lợi thế về địa lý cũng như sự am hiểu về thị trường, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam thủy sản sẽ ưu tiên quan tâm hơn đến thị trường Trung Quốc nói riêng và các thị trường châu Á nói chung trong năm 2023.

 

 

Theo Thủy sản Việt Nam.