VIỆT NAM MUỐN MỞ RỘNG DIỆN TÍCH TRỒNG NGÔ ĐỂ PHỤC VỤ LÀM THỨC ĂN CHĂN NUÔI

11/2/2022 - 1:38 PM
Nhận định giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi khó giảm trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đã có chủ trương giao các đơn vị chức năng thuộc bộ phối hợp với doanh nghiệp nghiên cứu xây dựng các vùng nguyên liệu ngô theo hình thức hợp tác xã.

Giá thức ăn chăn nuôi vẫn "nóng"

 

Nhận định về tình hình giá thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định, giá thức ăn chăn nuôi sẽ khó giảm trong thời gian tới.

 

"Năm nay là một năm rất nóng đối với ngành chăn nuôi, nhất là liên quan đến vấn đề giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu", ông Chinh nói.

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2022, Việt Nam đã chi gần 6,6 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.

 

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt hơn 3,6 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu các nguyên liệu chính như ngô, đậu tương cho sản xuất thức ăn chăn nuôi khoảng 3 tỷ USD.

 

Riêng với mặt hàng ngô, 8 tháng năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,8 triệu tấn, tương đương gần 2,1 tỷ USD, giảm 16% về lượng nhưng tăng 7,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. 

 

Bình quân giá ngô nhập khẩu ở mức 355 USD/tấn, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021 do căng thẳng Nga – Ukraine khiến chuỗi cung ứng ngũ cốc bị xáo trộn.

 

“Đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn giữ ở mức cao, việc giảm giá là điều rất khó”, ông Chinh nói.

 

 

 

Bộ NNPTNT đã có thông tư về cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học, chiếu theo thông tư này thì hoàn toàn được phép canh tác ở Việt Nam. Ảnh: CLA.

 

Liên kết với doanh nghiệp để hình thành vùng nguyên liệu, đã có hành lang pháp lý để trồng ngô biến đổi gen

 

Đó là một trong những định hướng của Bộ NNPTNT trong thời gian tới để từng bước chủ động nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

 

"Chúng ta phải lưu ý điều này để có nền chăn nuôi tự chủ, chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cây phục vụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định.

 

Đối với việc trồng ngô biến đổi gen, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Bộ NNPTNT đã có thông tư về cây trồng ứng dụng công nghệ sinh học, chiếu theo thông tư này thì hoàn toàn được phép canh tác.

 

"Tôi nhớ nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ thống nhất các hồ sơ về cây trồng biến đổi gen sẽ tiếp tục được giải quyết chứ không phải không sử dụng vì thực tế chúng ta cũng đang nhập sản phẩm ngô, đậu tương biến đổi gen với số lượng rất lớn" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

 

 

Theo Dân Việt.