Tương lai tươi sáng cho gà màu

12/20/2016 - 2:41 PM
Gà màu đang thu hút khách hàng và việc theo đuổi chăn nuôi gà màu là thuận xu thế của thị trường, song với sự cạnh tranh gay gắt của gà trắng nhập khẩu thì gà nội địa còn phải nỗ lực nhiều mới “bằng chị bằng em”.
Gà màu đang thu hút khách hàng và việc theo đuổi chăn nuôi gà màu là thuận xu thế của thị trường, song với sự cạnh tranh gay gắt của gà trắng nhập khẩu thì gà nội địa còn phải nỗ lực nhiều mới “bằng chị bằng em”.
 
 
Lợi thế
 
Thống kê cho thấy, tuyệt đại đa số các doanh nghiệp trong nước hiện nuôi gà màu và cung cấp 90% sản phẩm cho thị trường gà màu chăn nuôi hiện đại. Điều này trái ngược với 10 năm trước, khi gà màu là đối tượng nuôi chủ yếu của các trang trại. Thậm chí các doanh nghiệp trước đây cung ứng giống gà lông trắng nay cũng đã chuyển qua cung ứng gà lông màu. Các chuyên gia cũng đánh giá tiềm năng gà lông màu còn khá lớn ở khu vực châu Á và Đông Nam Á. Thói quen, khẩu vị, truyền thống của người châu Á nói chung không đề cao gà công nghiệp. Khi chăn nuôi gà trở thành một mũi nhọn trong ngành chăn nuôi thì việc lựa chọn gà lông màu ở khu vực Đông Nam Á tất yếu.
 
Khó khăn
 
Từ trước tới nay, khi nói tới nuôi gà công nghiệp thì người ta nghĩ ngay tới nuôi gà lông trắng. Bởi vậy, việc nuôi gà bản địa quy mô công nghiệp đang trở thành một bài toán hoàn toàn mới ở Việt Nam. Trước hết là quy mô về vốn. Nếu trước đây việc nuôi gà bản địa chủ yếu ở quy mô trang trại, tận dụng vườn đồi, nửa nuôi nhốt thì ngày nay với việc nuôi tập trung mật độ lớn, vốn đầu tư đòi hỏi cao hơn và ước tính cần 6 – 10 triệu USD cho một doanh nghiệp nuôi gà màu công nghiệp hiện đại. Cái khó thứ hai là công nghệ giống còn lạc hậu và đây là khó khăn lớn nhất. Vì nếu thiếu vốn, ngân hàng có thể hỗ trợ, nhưng thiếu con giống thì chỉ chính ngành gà mới giải quyết được. Mặc dù gà lông trắng đã mất vị thế, nhưng hiện gà giống lông trắng vẫn còn chiếm khoảng 20% tổng đàn và phục vụ chủ yếu cho các thành phố lớn và sản phẩm gia tăng.
Để thay thế dần gà trắng bằng gà màu, nhiều doanh nghiệp đã tập trung vào khâu làm giống, trong đó có việc thụ tinh nhân tạo. Bước đầu lượng gà giống mới đã và đang đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Gà màu cũng được đánh giá cao về khả năng chịu đựng thời tiết, giảm chi phí làm mát so với nuôi gà trắng, ngoài ra thức ăn, vaccine, chi phí chuồng trại đều giảm. Nhưng cái khó là gà lông màu không chủ động được đầu ra, do các doanh nghiệp nước ngoài hiện vẫn chiếm ưu thế trong các chuỗi tiêu thụ ở siêu thị và các thành phố lớn. Ngành công nghiệp giá trị gia tăng của Việt Nam lại còn quá nhỏ lẻ.
 
 
Rớt giá
 
Cách đây dăm năm, việc nuôi gà lông màu đem lại lợi nhuận lớn. Nếu gà lông màu xuất chuồng giá 50.000 đồng/kg thì người nuôi có thể đạt mức lợi nhuận 20.000 – 25.000 đồng. Nhưng, phong trào chăn nuôi gà màu bùng phát khắp nơi, các công ty giống cũng ồ ạt sản xuất và cung cấp cho các địa phương, khiến sản lượng gà màu nuôi bán công nghiệp và công nghiệp tăng đột biến. Mỗi tháng một đại lý có thể cung ứng 100.000 – 200.000 con gà màu giống cho một huyện là chuyện bình thường. Từ đó, giá gà màu chững lại và dần rớt giá. Điều bất thường là liên tục nhiều năm, sản lượng gà trắng giảm, nhưng giá của gà trắng không tăng mà tiếp tục giảm. Đồng thời, gà nhập khẩu giá rẻ cũng tràn ngập khắp nơi. Tình hình tiêu thụ gần 200 triệu con gà lông màu đang trở thành bài toán khó.
Trước kia việc tiêu thụ gà lông trắng chủ yếu là các chợ nhỏ, tiểu thương, tiêu thụ gà sống hoặc sơ chế, nhưng với quy mô và sản lượng như hiện nay, các công ty đã đi vào quy trình giết mổ hiện đại, đồng thời sử dụng công nghệ đông lạnh để tiêu thụ sản phẩm, khiến cho giá gà ta không còn cao như trước. Thậm chí, gà màu bản địa và gà màu lai đang xích lại gần nhau hơn về giá.
 
Chuẩn hóa và liên kết
 
 
Một số chuyên gia và những nhà nghiên cứu thị trường đều cho rằng việc nuôi gà màu ở Việt Nam còn khá manh mún. Việt Nam cần phải chuẩn hóa một số quy trình làm giống, nuôi trồng, chế biến, bảo quản gà lông màu. Sự liên kết giữa các công ty, doanh nghiệp và người dân vẫn lỏng lẻo. Đặc biệt chi phí cho thức ăn vẫn còn rất cao. Công nghệ chế biến các sản phẩm trị giá gia tăng vẫn yếu.
 
Ngay tại Mỹ, các giống gà bản địa chăn thả tự nhiên cũng cao gấp hàng chục lần gà nuôi nhốt công nghiệp, song phải nói rằng những giống gà đặc sản không phải “xương sống” của ngành mà chính là gà công nghiệp mới giữ vị trị cung ứng thực phẩm chiến lược. Trong điều kiện kinh tế vẫn khó khăn, người dân còn nghèo, gà màu lại chủ yếu tiêu thụ trong nước thì việc tập trung sản xuất gà màu giá rẻ để cạnh tranh với gà trắng nhập khẩu vẫn phải là một chủ trương lớn của ngành chăn nuôi.
 
Theo Người Chăn Nuôi