Nuôi cá chình thương phẩm trong bể xi măng trên địa bàn tỉnh còn mới mẻ, đang trong giai đoạn nuôi thử nghiệm, song triển vọng từ mô hình là khá lớn.
Gần đây, khu vực nuôi cá chình của anh Trần Văn Tin (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) là địa chỉ được nhiều người đến tham quan, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Trên cơ sở tận dụng lại các bể nuôi ba ba trước đó, anh Tin sửa sang lại các bể với tổng diện tích 200m2 để thả nuôi 20kg giống cá chình cùng một bể nuôi cá hồng, cá mú, tôm hùm có giá trị để lấy ngắn nuôi dài. Anh Tin cho biết, cá chình chủ yếu lấy giống từ tự nhiên, chưa sinh sản nhân tạo thành công ở nước ta nên phải vào tận Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Nha Trang để mua con giống đã được viện này ươm nuôi thành công từ những ấu trùng, con giống nhỏ ngoài tự nhiên.
Đáng chú ý, ở Núi Thành nói riêng, Quảng Nam nói chung, mô hình nuôi cá chình trong bể xi măng còn quá mới mẻ, tỷ lệ thành công thấp thì anh Trần Văn Tin lại mạnh dạn đầu tư nuôi và quyết tâm làm giàu từ đối tượng này. Lần nuôi thí điểm, anh thả 20kg giống, mỗi con có trọng lượng 0,5g, tương đương 2.000 con giống trong bể chính diện tích 100m2, xung quanh là các bể dự bị. Sau hơn một tháng nuôi, nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, điều kiện vệ sinh môi trường, đàn cá chình đã có trọng lượng trung bình 1 lạng/con. “Do mới nuôi thử nghiệm, để tránh rủi ro, tôi chọn mua cá giống có trọng lượng ổn định, khoảng 50 con/kg để dễ chăm sóc, giảm tỷ lệ hao hụt do vận chuyển xa. Sau 6 tháng cá lớn dần, phải tách đàn, phân loại những con lớn nhỏ để dễ chăm sóc, đảm bảo sao cho 1m2 có 5 con cá chình thương phẩm” – anh Tin nói.
Được biết, cá chình là loài rất dễ nuôi, ít bệnh hơn các loại cá da trơn khác. Loại giống 20 con/kg có thể đạt trọng lượng 1,5 – 2kg/con sau một năm nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, đối tượng này đòi hỏi phải được chăm sóc theo một quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Cụ thể, nguồn nước phải ngọt, phải được lọc kỹ các tạp chất, lắng trong trước khi cho vào bể nuôi, bể nuôi phải đảm bảo không được thiếu nước, thừa nước, oxy trong bể xi măng cũng không được thừa, không được thiếu, độ pH khoảng 7,6.
Mỗi ngày, để làm trong lành nguồn nước, loại bỏ các chất màng, mỡ do trong quá trình cho cá ăn, phải cho vào bể 20% nước vốn có, đảm bảo độ trong của nước luôn ở mức 40%. Cứ 5 – 7 bữa phải tiến hành thay nước bể một lần để hạn chế tảo sinh sôi nảy nở với mật độ lớn gây thiếu hụt nguồn oxy cho cá. Mỗi ngày, cho cá ăn tầm 7 giờ tối, sau khi cho ăn, phải xi phông để loại bỏ cặn bã, thức ăn dư thừa làm bẩn nước, gây độc tố. Cá chình có đặc tính là sống tầng đáy, sau khi ăn thì ngủ. Ban ngày tảo trong nước sinh sôi nảy nở quang hợp nên bể không thiếu oxy, nhưng ban đêm phải sục khí 100%. Không chỉ vệ sinh tốt, mỗi ngày, anh phải test (thử) môi trường, kiểm tra pH nguồn nước… “Tuy đây là loài ít bệnh nhưng thỉnh thoảng vẫn mắc bệnh đường ruột, bệnh gan, tuy nhiên do thức ăn công nghiệp của Viện Nuôi trồng thủy sản Nha Trang cung cấp vốn đã tích hợp sẵn thuốc ngừa nên nếu dùng thức ăn công nghiệp thì người nuôi không phải lo về bệnh, còn nếu sử dụng thức ăn tươi, phụ phẩm bổ sung cho cá thì phải xử lý các bệnh trên” – anh Tin chia sẻ.
Đàn cá của anh Tin phát triển ổn định sau hơn 1 tháng
Ngoài thức ăn công nghiệp, anh Tin còn tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên cho cá ăn thêm cá tạp, tôm tép xắt nhỏ với tỷ lệ phân bố theo trọng lượng vật nuôi là 3% nhân với trọng lượng thân cá. “Theo khuyến cáo của viện, nếu nuôi theo kiểu truyền thống, cá đạt trọng lượng hơn 1kg sau một năm thả nuôi, còn nếu nuôi theo hướng công nghiệp thì tầm 7 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng chừng 1kg. Tôi vừa nuôi, vừa tích lũy, học hỏi kinh nghiệm, vừa được sự hỗ trợ kỹ thuật từ cán bộ nên đến thời điểm này đàn cá phát triển bình thường, chưa có biểu hiện gì đáng lo” – anh Tin chia sẻ. Còn về đầu ra cho cá thương phẩm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Nha Trang cam kết đứng ra bao tiêu sản phẩm với giá 400.000 – 500.000 đồng/kg, còn mức tiêu thụ tại thị trường, các nhà hàng dao động 500.000 – 1 triệu đồng/kg ở thời điểm khan hiếm.
Theo ông Lê Văn Hiệp – cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, nuôi cá chình trong bể xi măng là mô hình mới, rủi ro lớn nhưng triển vọng cũng rất cao. Tính toán hệ số quy đổi thì 1kg cá thương phẩm tương đương 1,5kg thức ăn, chi phí thức ăn, con giống, công chăm sóc tầm 150 – 200.000 đồng, trong khi đó, một ký cá thương phẩm bán ra thị trường dao động 400 – 500.000 đồng, hoặc cao hơn. “Để giảm thiểu rủi ro, chúng tôi khuyến cáo nên nuôi nhiều lứa khác nhau để lấy ngắn nuôi dài. Không nên xây bể quá lớn, thả cá với mật độ dày mà cần chia thành nhiều bể nhỏ. Giai đoạn đầu nên cho cá ăn thức ăn công nghiệp, khi cá đã ổn định mới bổ sung thêm thức ăn tươi” – ông Hiệp nói.
Theo Báo Quảng Nam