Trong 6 tháng đầu năm 2022, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao, đặc biệt đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ nhưng về cơ bản, chăn nuôi vẫn tăng trưởng.
I. Về tình hình chăn nuôi nói chung
Đàn vật nuôi tăng 5,7%
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê so với cùng kỳ năm 2021, tại thời điểm tháng 6/2022, tổng đàn lợn ước tính tăng 3,8%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng khoảng 2,12 triệu tấn (tăng 5,7%); đàn gia cầm tăng 1,2%, sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng khoảng 980 ngàn tấn (tăng 5,2%), sản lượng trứng khoảng 8,8 tỷ quả (tăng 4,8%); tổng đàn bò tăng 2,2%, sản lượng thịt bò hơi khoảng 241,2 ngàn tấn (tăng 4,4%), sản lượng sữa tươi khoảng 617,8 triệu lít (tăng 10,1%); tổng số trâu giảm 1,4%, tuy nhiên sản lượng thịt trâu hơi khoảng 62 ngàn tấn (tăng 1,8%). Ước tính 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng GTSX ngành chăn nuôi đạt 5,7% (toàn ngành nông nghiệp đạt 2,8%)
Sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 10,5 triệu tấn
Sản lượng TACN công nghiệp 6 tháng năm 2022 ước đạt 10,5 triệu tấn tương đương so với 6 tháng đầu năm 2021; trong đó thức ăn cho lợn (chiếm khoảng 55% tổng sản lượng) tăng khoảng 13,2%, cho gia cầm (chiếm 40%) giảm khoảng 8,6%, loại khác (chiếm 5%) giảm khoảng 12,5%.
Thị trường sản phẩm chăn nuôi
Giá lợn thịt hơi xuất chuồng
6 tháng đầu năm 2022, giá lợn thịt hơi xuất chuồng bán tại cổng trại theo xu hướng tăng ở cả 3 miền, duy trì ở mức từ 55.000-59.000 đg/kg trong thời gian dài. Trong 2 tuần đầu tháng 7/2022, giá tăng mạnh từ 12-15% so với mức giá bình quân trong tháng 6/2022, đặc biệt tại một số tỉnh khu vực miền Bắc. Hiện nay, giá đang dao động từ 63.000-68.000 đg/kg tại miền Bắc, từ 58.000-63.000 đg/kg tại miền Trung, Tây Nguyên và từ 54.000-63.000 đg/kg tại các tỉnh khu vực miền Nam. Mức giá hiện nay tương đương với cùng kỳ năm 2021.
Giá sản phẩm gia cầm: so với thời điểm tháng 01/2022, bình quân trong tháng 6/2022 giá các sản phẩm chính đa số đều tăng.
Nhóm gà thịt lông màu nuôi công nghiệp theo xu hướng tăng tại cả 3 miền, giá bình quân dao động từ 40.000-42.000 đg/kg tăng lên 55.000-57.000 đg/kg. Giá con giống tăng từ 5.500-6.500 đg/con lên 9.500-11.500 đg/con.
Nhóm gà thịt lông trắng: giá bình quân dao động từ 26.000-30.000 đg/kg tăng lên 33.000-36.000 đg/kg tùy từng khu vực. Trong khi giá con giống ổn định từ 6.000-8.000 đg/con.
Giá các sản phẩm vịt cũng tăng mạnh, trong đó giá vịt Super M tăng trung bình từ 34.900 đg/kg lên 47.500 đg/kg; giá vịt thịt Grimaud tăng trung bình từ 34.600 đg/kg lên 48.500 đg/kg (tăng 40%).
Giá các sản phẩm trứng gà dao động từ 1.600-2.500 đg/quả; trứng vịt từ 2.070-2.700 đg/quả tùy từng khu vực; giá khu vực miền Bắc cao hơn các khu vực còn lại).
Giá sản phẩm gia súc ăn cỏ: Giá thịt bò ổn định trong khoảng 90.000-92.500 đg/kg; giá sữa tươi bình quân dao động trong khoảng 12.500-13.500 đg/kg.
Giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm
– Do ảnh hưởng của giá nguyên liệu TACN trên thế giới, giá nguyên liệu TACN trong 6 tháng đầu năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ 2021, cụ thể:
– Giá nông sản thế giới đã được thiết lập mặt bằng giá mới (trong đó có giá gạo và hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng).
– Dịch bệnh Covid 19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng nguyên liệu TACN nhập khẩu (giảm nguồn cung, thiếu phương tiện vận chuyển).
– Một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới chuyển sang kinh doanh nông sản, găm hàng, đẩy giá nông sản lên cao.
– Mỹ là một trong những nước có sản lượng ngô lớn đã tăng sản xuất cồn sinh học (Ethanol) từ ngô, làm giảm lượng ngô xuất khẩu. Đặc biệt giá xăng dầu tăng trong tháng 02/2022 vừa qua cũng đẩy giá ngô tăng cao.
– Một số nước sản xuất ngô, đậu tương lớn ở khu vực Nam Mỹ (Achentina, Brazil) có sản lượng ngô và đỗ tương giảm do tình hình hạn hán: Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng ngô của Achentina niên vụ 2021/2022 dự kiến giảm còn dưới 48 triệu tấn (theo tính toán trước đây là 54 triệu tấn), Brazil dưới 110 triệu tấn (theo tính toán trước đây là 114 triệu tấn).
– Cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến nguồn cung và giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá ngô và các mặt hàng nông sản khác trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Bắt đầu từ cuối tháng 5/2022, giá nguyên liệu TACN theo xu hướng giảm nhẹ; hiện nay, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đg/kg (giảm 5,5%); khô dầu đậu tương 14.050 đg/kg (giảm 0.4%); DDGS 10.500 đg/kg (tương đương); cám gạo chiết ly 5.550 đg/kg (giảm 0,3%). Dự báo trong thời gian tới giá một số nguyên liệu chính có thể giảm (nhưng không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, điều này cũng ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi).
– Giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh theo xu hướng tăng (do một số doanh nghiệp chưa tăng giá trong tháng 5, 6/2022 phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó). Cụ thể: TAHH hoàn chỉnh cho gà thịt lông màu 13.000 đg/kg (tăng 0,3%); TAHH hoàn chỉnh cho lợn thịt 13.350 đg/kg (tăng 1,1%) và TAHH hoàn chỉnh cho gà thịt lông trắng 13.800 đg/kg (tăng 1,4%).
Tình hình xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi
Nhập khẩu
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị kim ngạch nhập khẩu chăn nuôi là 1.585,6 triệu USD giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, kim ngạch nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa là 718,4 triệu USD, tăng 13%; kim ngạch nhập khẩu các loại thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật là 641,3 triệu USD, giảm 14,7%).
Thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: đến hết tháng 6/2022 cả nước đã nhập khẩu 8,5 triệu tấn nguyên liệu TACN (bao gồm cả thủy sản), giá trị tương ứng là 3,7 tỷ USD (giảm khoảng 33,11% về số lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó: Ngô 3,7 triệu tấn (giảm khoảng 52,3% về số lượng và 14,71% về giá trị); khô dầu các loại 2,2 triệu tấn (giảm 39,65% về số lượng và 25,5% về giá trị); DDGS 0,43 triệu tấn (giảm 39,8% về số lượng và 17,3% về giá trị); lúa mỳ 0,73 triệu tấn (giảm 3,7% về số lượng, tăng 24,26% về giá trị).
Xuất khẩu
Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực chăn nuôi ước đạt 176 triệu USD, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021 (trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp là 27,88 tỷ USD). Số liệu này chưa tính kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu và thức ăn cho gia súc, gia cầm.
II. Về tình hình dịch bệnh
Về dịch Cúm gia cầm
Cả nước xảy ra 22 ổ dịch CGC (01 ổ dịch CGC A/H5N6 và 20 ổ dịch CGC A/H5N1) tại 20 huyện của 13 tỉnh, thành phố. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 58.480 con. Hiện nay, cả nước có 02 ổ dịch CGC A/H5N1 tại tỉnh Thái Bình và Bắc Ninh chưa qua 21 ngày. – So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 4 lần, số tỉnh có dịch giảm 2,1 lần và số gia cầm tiêu hủy giảm 6,3 lần.
Đối với Dịch tả lợn Châu Phi
Cả nước xảy ra 753 ổ dịch Dịch tả lợn châu Phi tại 225 huyện của 47 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.516 con. Hiện nay, cả nước có 138 ổ dịch tại 62 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 9.867 con; tổng số lợn chết và tiêu hủy là 10.076 con. So với cùng kỳ năm 2021, xã có dịch DTLCP giảm 1,5 lần và số lợn bị tiêu hủy giảm gần 3 lần. Cụ thể:
Dịch bệnh lở mồm long móng
Cả nước xảy ra 07 ổ dịch LMLM tại 05 huyện của 04 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 77 con. Hiện nay, cả nước có 04 ổ dịch LMLM tại 02 huyện của tỉnh Đồng Tháp chưa qua 21 ngày, số mắc bệnh là 37 con gia súc, số chết và tiêu hủy là 01 con.
Dịch bệnh Viêm da nổi cục – Cả nước xảy ra 206 ổ dịch VDNC của 47 huyện của 13 tỉnh, thành phố. Tổng số gia súc mắc bệnh là 2.116 con, tổng số gia súc tiêu hủy là 394 con. Hiện nay, cả nước có 12 ổ dịch tại 7 tỉnh Sơn La, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai và Tiền Giang chưa qua 21 ngày; số gia súc mắc bệnh là 55 con; tổng gia súc chết và tiêu hủy là 12 con.- So với cùng kỳ năm 2021, số ổ dịch giảm 14,3 lần, số gia súc mắc bệnh giảm 68,9 lần và số gia súc tiêu hủy giảm 54,7 lần. Cụ thể:
Dịch bệnh Tai xanh
Từ đầu năm 2022 đến nay, không có báo cáo ổ dịch Tai xanh mới phát sinh tại các địa phương. (vi) Dịch bệnh Dại – Bệnh Dại trên người: Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước xảy ra 15 trường hợp người tử vong do bệnh Dại (giảm 18 trường hợp) tại 09 tỉnh, thành (Yên Bái 01, Thanh Hóa 01, Đắk Lắk 01, Đắk Nông 02, Phú Yên 01, Bến Tre 05, Kiên Giang 03, Tây Ninh 01). Tổng số người bị chó, mèo cắn phải đi điều trị dự phòng là 44.822 người (giảm 82% so với cùng kỳ năm 2021).
– Bệnh Dại trên chó, mèo: Qua công tác giám sát chủ động từ đầu năm đến nay tại 11 tỉnh (Phú Thọ, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Lắk, Bình Phước, Cà Mau, Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh và Bạc Liêu), đã thực hiện 912 trường hợp điều tra; trong đó, có 115 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm vi rút Dại. Kết quả phát hiện 50 trường hợp chó, mèo có dương tính với vi rút Dại (tăng 14 trường hợp) tại 10 tỉnh, bao gồm: Lào Cai (02), Phú Thọ (13), Nghệ An (04), Đắk Lắk (19), Đồng Tháp (03), Long An (03), Bình Phước (02), Trà Vinh (02), Bạc Liêu (01) và Cà Mau (01).
Tình hình dịch bệnh khác – Các dịch bệnh thông thường khác trên gia súc, gia cầm như: Dịch tả lợn cổ điển, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn, Đóng dấu lợn, Niu-cát-xơn, Gumboro,… được phát hiện và kiểm soát tốt, không gây thành dịch lớn. Hiện nay, đã có các loại vắc xin để phòng những bệnh này có hiệu quả; nhiều loại vắc xin được sản xuất trong nước.
– Ngày 06/6/2022, Tập đoàn Hipra Tây Ban Nha đã tặng Bộ Nông nghiệp và PTNT 50 triệu liều vắc xin Gumboro phòng bệnh cho gia cầm. Trong đó, kế hoạch đợt 1 phân bổ cho địa phương là 20,268 triệu liều.
Lũy kế cả nước có 2.329 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 50 tỉnh, thành phố được chứng nhận ATDB, bao gồm: 1.052 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.131 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 146 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Thú y đã thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cho 10 vùng (cấp huyện) của TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu và tỉnh Bình Phước.
Tâm An tổng hợp từ báo cáo của Cục Thú y, Cục Chăn nuôi.