Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trong nước phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, khi thị trường nguyên liệu TĂCN thế giới biến động mạnh, cả doanh nghiệp (DN) sản xuất TĂCN đến người chăn nuôi đều gặp khó khăn vì giá tăng sốc do ảnh hưởng của nguyên liệu nhập khẩu.
Nông dân trồng bắp đang đạt lợi nhuận tốt. Trong ảnh: Cánh đồng bắp của nông dân xã Bình Sơn (H.Long Thành).
Giảm chi phí đầu vào trong sản xuất TĂCN bằng cách dần thay thế một số nguyên liệu nhập khẩu bằng nguyên liệu sản xuất trong nước là một trong những nhóm giải pháp được Bộ NN-PTNT đặt ra trong thời gian tới.
Nâng cao năng lực tự chủ
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực NN-PTNT, một trong những nội dung lớn được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn là giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là giá TĂCN liên tục tăng, gây khó khăn rất lớn cho nông dân. Một số đại biểu nêu vấn đề, nhiều tỉnh, thành của Việt Nam từng có lợi thế trồng cây bắp và một số cây khác là nguyên liệu cho ngành chế biến TĂCN nhưng chưa được quan tâm phát triển.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như: giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất TĂCN, phân bón, vật tư nông nghiệp…, ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Theo đó, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu đến 60% nguyên liệu sản xuất TĂCN. Năm 2021, đã nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu TĂCN, chi gần 10 tỷ USD…
Thẳng thắn thừa nhận những mặt còn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trong chiến lược nâng cao năng lực tự chủ của ngành Nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro về thị trường. Bộ đã tổ chức rất nhiều phiên họp bàn giải pháp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất TĂCN, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Bộ NN-PTNT đã giao cho các đơn vị của Bộ tiếp tục nghiên cứu các mô hình giảm chi phí. Sản xuất nông nghiệp đã có những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, phần nào tự sản xuất phân bón, TĂCN, thuốc sinh học…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Đây không phải là giải pháp tạm thời đối phó tình huống mà về lâu dài cũng là giải pháp để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp của chúng ta. Tôi rất tha thiết mong 14 triệu hộ nông dân chúng ta vào HTX, kinh tế tập thể nhằm giảm giá các nguyên liệu đầu vào, vừa chuẩn hóa quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng để có giá cả tốt hơn. Đó là ở tư duy lâu dài hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp chứ không phải làm đối phó nhất thời”.
Cần DN vào cuộc
Với lợi thế là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, lại thu hút đông các tập đoàn, DN đầu tư nhà máy chế biến TĂCN, Đồng Nai là tỉnh có diện tích trồng bắp thuộc tốp đầu của cả nước. Tuy diện tích cây trồng này đang bị thu hẹp dần nhưng năm 2021, toàn tỉnh vẫn gieo trồng được hơn 36 ngàn ha bắp; chỉ tính riêng vụ đông xuân 2021-2022, toàn tỉnh gieo trồng hơn 9,6 ngàn ha bắp vẫn thuộc nhóm đứng đầu về diện tích trong nhóm cây trồng hằng năm của tỉnh.
Người dân tìm hiểu về thức ăn chăn nuôi hữu cơ của doanh nghiệp trưng bày tại Tuần lễ Tôn vinh trái cây được tổ chức mới đây tại TP.Long Khánh
Nhiều địa phương của tỉnh đã xây dựng được những vùng chuyên canh cho cây bắp, xây dựng chuỗi liên kết để bắp nội vẫn có “chỗ đứng” trên thị trường. Trong đó, mô hình chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 1 vụ lúa, 2 vụ bắp/năm là mô hình hay, được nhiều địa phương trong tỉnh nhân rộng vì góp phần tăng lợi nhuận hơn nhiều so với chỉ chuyên canh cây lúa.
Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (H.Xuân Lộc) Trần Quang chia sẻ, nhiều nông dân vẫn gắn bó lâu dài với cây bắp vì cây trồng này mới thích hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sản xuất tại địa phương. Vụ thu hoạch vừa qua, giá bắp nông dân bán ra đạt 8,7 ngàn đồng/kg, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Với mức giá này, nông dân trồng bắp phấn khởi vì đạt lợi nhuận tốt. Hiện cây bắp không lo về thị trường tiêu thụ vì cung không đủ cầu; nhiều DN sản xuất TĂCN quan tâm bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN, cần sự vào cuộc của DN sản xuất. Không chỉ trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm, DN trong ngành sản xuất TĂCN thủy sản cũng đang nỗ lực nội địa hóa nguồn nguyên liệu sản xuất.
Theo: Nhà chăn nuôi.