Ipsos Business Consulting (bộ phận tư vấn chuyên nghiệp trực thuộc Ipsos - công ty xếp hạng thứ ba trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường toàn cầu) vừa công bố kết quả nghiên cứu dự báo, nguồn cung heo thịt của Việt Nam sẽ tăng thêm 41 triệu con trong năm 2018 so với thời điểm tháng 7/2017.
Theo Ipsos, tổng nguồn cung heo thịt Việt Nam được tính toán dựa trên tổng sản xuất nội địa và số lượng nhập khẩu. Theo đó, tổng số lượng heo thịt của Việt Nam sản xuất nội địa tăng chậm dần đều, từ 39,85 triệu con tới 54,46 triệu con trong 3 năm 2013-2016. Trong năm 2016, nguồn cung heo thịt từ các trang trại nuôi theo mô hình khép kín ước tính chiếm khoảng 14% tổng đàn heo thịt, trong khi nguồn cung từ các trang trại nuôi theo mô hình tư nhân lớn chiếm vào khoảng 6% trong tổng đàn heo thịt.
Tổng nguồn cung heo Việt Nam ra thị trường năm 2013-2016, tiêu thụ nội địa là yếu tố thúc đẩy chính cho sự tăng trưởng của thị trường heo ở Việt Nam. Thịt heo được dự đoán vẫn tiếp tục là loại thịt chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng thịt tiêu thụ của người Việt trong thời gian sắp tới. Tiêu thụ nội địa ước tính vào khoảng 2,50 triệu tấn thịt xẻ (khoảng 35,76 triệu con) trong năm 2016.
Trong giai đoạn 2013-2016, xuất khẩu heo thịt xẻ chính ngạch đi Hồng Kông và Malaysia chiếm phần nhỏ trong tổng nguồn cung heo ra thị trường, vào khoảng 15.000 -20.000 tấn (khoảng 200.000 con). Trong khi xuất khẩu heo hơi tiểu ngạch đi Trung Quốc tăng mạnh trong ba năm vừa qua, đạt gần 12 triệu con trong năm 2016, tương đương mỗi ngày xuất khoảng 33.000 con.
Ipsos đánh giá, nguồn cung heo nội địa của Trung Quốc bị thiếu hụt trầm trọng, ảnh hưởng một phần bởi kế hoạch 5 năm (cải tổ quy mô và di dời trang trại nuôi heo ra khỏi khu vực thương mại và đông dân cư) của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc. Vì vậy, các thương lái Trung Quốc đã tích cực thu mua heo hơi Việt Nam, dẫn đến sự tăng đột biến của giá thịt heo hơi Việt Nam tại trại trong hai năm qua.
Từ giữa năm 2016, do giá heo hơi tại trại giảm mạnh nhất trong lịch sử, nhiều trang trại nhỏ lẻ và trang trại tư nhân lớn đã tạm ngừng chăn nuôi hoặc giảm đàn nái, trong khi các trại nuôi theo mô hình khép kín vẫn tiếp tục kinh doanh. Từ thực tế này, Ipsos dự báo, xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch khoảng 2,41 triệu con trong năm 2017, giảm 80% so với tổng số xuất khẩu tiểu ngạch trong năm 2016. Ipsos ước tính khoảng 104.750 con dư thừa. Tuy nhiên xuất khẩu tiểu ngạch vẫn sẽ giữ ở mức thấp trong nửa cuối năm nay, ước khoảng 1,17 triệu con sẽ được xuất cho cả năm 2017. Tình hình này dẫn đến việc thừa khoảng 1,34 triệu con trên thị trường.
Nhìn về tương lai thị trường heo Việt Nam, Ipsos dự đoán nhiều trang trại sẽ quay trở lại việc chăn nuôi heo khi nguồn cung và nguồn ra thị trường của heo thịt được cân bằng hơn trong năm sau. Tổng nguồn cung heo thịt sẽ tiếp tục tăng và đạt vào mức 41 triệu con trong năm 2018.
Tình hình xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch sẽ khó phục hồi như trước đây. Ipsos dự đoán tổng số heo hơi xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vẫn giữ ở mức thấp, khoảng 2,41 triệu con trong năm 2018. Nhu cầu tiêu thụ thịt heo nội địa vẫn tiếp tục tăng đều, trong khi nguồn cung sẽ tăng ở mức khống chế, dẫn đến số heo thịt dư thừa trên thị trường giảm từ 7,05 triệu con năm 2016 xuống khoảng 100.000 con năm 2018.
Trong khi đó, lượng thịt heo nhập khẩu chiếm thị phần rất nhỏ trong tổng nguồn cung ở Việt Nam, giữ vững ở mức thấp vào khoảng 0,1% trong giai đoạn 2013-2016. Lượng thịt heo nhập khẩu tăng trưởng đột biến từ 5.482 tấn năm 2015 đến 40.872 tấn (tương đương 583.886 con) năm 2016, chiếm tỷ trọng 1,06% trong tổng nguồn cung heo thịt năm 2016. Việc tăng sản lượng nhập khẩu thịt heo do hiệu lực xóa bỏ thuế nhập khẩu thịt heo từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào đầu năm2016. Từ khi EVFTA có hiệu lực, nhiều nước trong Liên minh châu Âu đã xuất khẩu thịt heo vào Việt Nam, bao gồm Ý, Ireland, Hà Lan và Đức sẽ là áp lực không nhỏ đến cán cân cung - cầu của thị trường heo Việt Nam.
Để tháo gỡ khủng hoảng thị trường heo thịt, các công ty sản xuất thức ăn và thuốc thú y sẽ chứng kiến sự dịch chuyển trong cơ cấu trang trại nuôi heo Việt Nam. Khủng hoảng thị trường hiện tại dẫn đến việc treo chuồng của các trại nuôi nhỏ lẻ; thị phần của các trại nuôi nhỏ lẻ do vậy sẽ giảm và dịch chuyển sang cho thị phần của trại nuôi theo mô hình khép kín.
Mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới việc hoàn thành kế hoạch cải tổ trang trại của họ trong năm 2017. Tổng đàn heo nái Trung Quốc được dự đoán sẽ phục hồi và tăng trưởng trong tương lai. Điều này chứng tỏ tình hình xuất khẩu heo hơi theo đường tiểu ngạch từ Việt Nam qua Trung Quốc sẽ khó có khả năng đạt như thời kỳ đỉnh điểm của năm 2015 - 2016.
Việc giảm đàn heo nái sẽ tạo ra cơ hội cho trang trại nuôi heo tập trung vào việc tăng cường năng suất và hiệu quả chăn nuôi trong tương lai. Các trại nuôi heo có thể cắt giảm chi phí chăn nuôi nhờ vào việc thực thi một số phương thức như sử dụng thuốc thú y rẻ hơn, giảm tỷ lệ chích vắc xin cho heo, áp dụng biện pháp an toàn sinh học, hoặc trộn thức ăn cho heo với một vài nguyên liệu thay thế phù hợp. Khi đàn heo nái Việt Nam được khống chế tăng ở mức ổn định, nguồn cung so với nguồn ra thị trường của heo thịt sẽ được cân bằng hơn trong tương lai gần, và sẽ đẩy giá heo hơi tại trại tăng trở lại.
Nguồn: Báo Công Thương