ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA CẦM VIỆT NAM

6/7/2019 - 9:16 AM
Thời gian tới, ngành chăn nuôi gia cầm phát huy lợi thế về khả năng sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng; phát triển bề vững góp phần đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Tái cơ cấu sản xuất ngành chăn nuôi theo vùng

Chăn nuôi gà, trước mắt duy trì cơ cấu đàn tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long; sau đó mở rộng vùng Tây Nguyên (tăng từ 7% lên 20%).

Chăn nuôi vịt, trước mắt, duy trì ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long ĐBSH, sau đó mở rộng sang vùng Trung du miền núi phía Bắc lên 15% và Duyên hải miền Trung lên 31% năm 2020.

 

 

Tái cơ cấu vật nuôi

Phát triển đàn gà lông màu, thả vườn, sản lượng thịt gà lông màu lên 60% năm 2020. Duy trì ổn định đàn gà công nghiệp lông trắng.

Tăng đàn vịt đẻ trứng, vịt nuôi thịt: Tổng đàn thủy cầm đạt 100 triệu con năm 2020, trong đó vịt đẻ trứng lên 40 triệu con; sản lượng thịt chiếm 30% tỷ trọng thịt gia cầm.

Tái cơ cấu về phương thức sản xuất chăn nuôi

Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại. Xác định quy mô trang trại phù hợp với từng loại vật nuôi, từng vùng, địa phương.

Phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi công nghiệp, chăn thả có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đến năm 2020, cơ cấu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi đối với trang trại chăn nuôi gà về số lượng đầu con tăng từ 30 lên 60%, sản lượng thịt trứng từ 45 lên 75%, chăn nuôi vịt về số lượng đầu con tăng từ 20% lên 60%, sản lượng thịt tăng từ 25% lên 50%, trứng tăng từ 25% lên 45%.

Tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng

Tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết Tổ hợp tác, HTX, Hội, Hiệp hội ngành hàng, cần xây dựng các thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Định hướng các giống chủ lực

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững gắn với sự khai thác hợp lý các lợi thế vùng về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, cần đạt mục tiêu phát triển chăn nuôi gia cầm như sau:

Về giống gà

 

Gà hướng thịt

Chọn lọc, nhập khẩu những giống gà, dòng gà có năng suất, chất lượng cao nhất hiện nay để làm giảm chi phí về giống. Phấn đấu chi phí về TĂCN dưới 1,8kg/kg tăng khối lượng.

Gà trắng: Tập trung cho các năm tới là giống Ross, AA, Hubard, Cobb. Chỉ tiêu giống TBKT cần đạt: Thời gian nuôi 35-42 ngày; khối lượng cơ thể đạt 1,8-2,6 kg/con; tiêu tốn thức ăn từ ≤1,8kg TA/kg tăng khối lượng. Nguồn giống: chủ yếu nhập ngoại.

Gà màu: Tập trung các giống ISA Colour, Redbro và Lương Phượng; Chỉ tiêu giống TBKT cần đạt: Thời gian nuôi 56-70 ngày; khối lượng cơ thể đạt 1,8-2,6 kg/con; tiêu tốn thức ăn từ 2,2-2,6 kg TA/kg tăng khối lượng; Nguồn giống: Chủ động sản xuất trong nước 80% đối với giống Lương Phượng và con lai còn lại chủ yếu nhập ngoại.

Gà hướng trứng

– Nuôi công nghiệp: Tập trung các giống ISA Brow, Hyline, Novogen. Chỉ tiêu giống TBKT cần đạt: năng suất trứng ≥ 280 quả/72 tuần tuổi ; tiêu tốn thức ăn /10 quả trứng ≤ 1,2kg; Nguồn giống: chủ yếu nhập ngoại.

– Nuôi thả vườn; bán công nghiệp: Tập trung các giống Ai Cập và các tổ hợp lai.
+ Chỉ tiêu giống TBKT cần đạt: năng suất trứng ≥ 185 quả/72 tuần tuổi; tiêu tốn thức ăn /10 quả trứng ≤ 2kg. Nguồn giống: tự túc 100% giống trong nước.

Gà nội

Lập hồ sơ quản lý các giống gà nội có tiềm năng. Các địa phương xây dựng chính sách cụ thể giữ nguồn gen bản địa; Tập trung phát triển các giống gà nội: Ri, Mía, Chọi (Đá; Nòi), Ninh Hòa, Tiên Yên, Đông Tảo, Móng và một số giống địa phương có lợi thế vùng; Nghiên cứu để tìm cặp lai có ưu thế đem lại hiệu quả kinh tế cao cho từng vùng miền; Duy trì và phát triển nguồn gen bản địa nhằm mục đích tạo các tổ hợp lai với một số giống nhập ngoại nâng cao chất lượng thịt đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước; Xây dựng kế hoạch cụ thể về giữ gen giống gà hiện có ở các địa phương.

 

 

Về giống vịt

Vịt chuyên thịt: Tập trung phát triển bộ giống vịt SM, Grimaud, ST5. Chỉ tiêu năng suất cần đạt: Thời gian nuôi từ 49-56 ngày; khối lượng đạt ≥ 3,4 kg/con; tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng ≤ 2,7 kg. Nguồn giống: Tiếp tục chọn lọc và nhân thuần từ các dòng đã có kết hợp nhập ngoại làm tươi máu và lai tạo. Tự túc 100% giống bố mẹ trong nước.

Vịt chuyên trứng: Tập trung giống Triết Giang, TC, TsN và vịt Cỏ Chỉ tiêu năng suất cần đạt: Năng suất trứng đạt ≥ 270 quả/mái/52 tuần đẻ; tiêu tốn thức ăn/10 quả trứng ≤ 2,1kg. Nguồn giống: Chọn lọc và nhân giống từ các dòng đã có. Tự túc 100% giống bố mẹ trong nước.

Vịt kiêm dụng: Tập trung giống vịt Biển, vịt PT, vịt Hòa Lan. Chỉ tiêu năng suất cần đạt: Năng suất trứng đạt ≥ 220 quả/mái/52 tuần đẻ; vịt nuôi thịt 10 tuần tuổi đạt ≥2,5kg. Nguồn giống: Chọn lọc và nhân giống từ các dòng đã có. Tự túc 100% giống bố mẹ trong nước.

Về số lượng đàn vật nuôi

Tăng trưởng về số lượng đàn gia cầm hợp lý từ 3-4%/năm. Đảm bảo tổng đàn gia cầm tăng lên 440 triệu con vào năm 2020. Trong đó: đàn gà tăng 4-5%/năm; đàn thủy cầm tăng 3-5%/năm.

Về sản phẩm chăn nuôi

Tăng sản lượng thịt gia cầm từ 8-10%/năm. Đưa tỷ trọng thịt gia cầm từ 17,4% lên 20% vào năm 2020; tổng sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,2 triệu tấn. Tăng sản lượng trứng gia cầm sản xuất từ 10-12%/năm. Sản lượng trứng sản xuất tăng lên 12-13 tỷ quả vào năm 2020.

Về phương thức chăn nuôi

Quan điểm chung là tạo ra bư¬ớc đột phá về phương thức chăn nuôi, theo đó tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn. Chăn nuôi nhỏ lẻ từng bước tổ chức lại theo hướng có kiểm soát bảo đảm an toàn sinh học và giảm dần tỷ trọng. Dự kiến số lượng đầu con vật nuôi và khối lượng sản phẩm sản xuất theo phương thức trang trại tăng lên đến năm 2020 đối với vịt: tăng tỷ lệ đầu con từ 20% lên 50%, sản lượng thịt và trứng tăng từ 25% lên 55% so với tổng thể các loại vật nuôi.

Về liên kết sản xuất

Xây dựng các cơ sở nuôi gia cầm giống bố mẹ hoặc ông bà và các cơ sở ấp trứng gia cầm tại các huyện, liên huyện hoặc tại các xã, liên xã theo đúng hệ thống giống 4 cấp. Lựa chọn từ 2 đến 3 giống gia cầm phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán tiêu thụ tại các tỉnh thành.

Hình thành các mô hình liên kết chăn nuôi để tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Thành lập các tổ hợp tác, HTX, chi hội, hiệp hội…. để phát triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi bền vững.

 

Cục Chăn nuôi

Theo nhachannuoi.vn