CHĂN NUÔI HEO

SỰ ĐỒNG NHIỄM TRONG BỆNH LÝ HÔ HẤP PHỨC HỢP Ở HEO VÀ GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU THIỆT HẠI

2/6/2023 - 1:26 PM
Bệnh hô hấp phức hợp ở heo là nguyên nhân gây thiệt hại kinh tế chính cho ngành chăn nuôi heo. Bệnh không chỉ làm gia tăng tỷ lệ bệnh, tỷ lệ chết mà còn tác động xấu đến năng suất tăng trưởng và chi phí thú y.

1. Đặt vấn đề

 

Bệnh hô hấp phức hợp ở heo là nguyên nhân gây thiệt hại kinh tế chính cho ngành chăn nuôi heo. Bệnh không chỉ làm gia tăng tỷ lệ bệnh, tỷ lệ chết mà còn tác động xấu đến năng suất tăng trưởng và chi phí thú y (bao gồm cả vaccine và kháng sinh) trong phòng và trị bệnh. Bệnh xảy ra chủ yếu ở heo sau cai sữa và heo vỗ béo, tỷ lệ bệnh tương ứng ở 2 nhóm heo có thể lên đến 53 – 58% và 42 – 47% (Ruggeri et al., 2020).

 

Theo, Wyburn et al., (2015), tại Úc, thiệt hại kinh tế do bệnh viêm phổi ở heo ước tính khoảng 2,8 USD/ heo, làm giảm tăng trọng ở heo choai/ heo thịt khoảng 12 – 15%. Tại Anh, thiệt hại ước tính khoảng 1 – 5,7 bảng anh/ heo. Bệnh hô hấp phức hợp ở heo liên quan đến nhiều yếu tố (multifactorial disease), được chia thành 3 nhóm yếu tố: vi sinh vật (virus, vi khuẩn); môi trường (tiểu khí hậu chuồng nuôi) và quy trình quản lý đàn. Nhiều nghiên cứu trên thực tế đã ghi nhận sự đồng nhiễm của nhiều loài virus và vi khuẩn ở heo bị bệnh hô hấp phức hợp. Các tác nhân chính bao gồm: PRRSV, PCV2, virus cúm heo, M. hyopneumoniae, Streptococcus, Actinobacillus pleuropneumoniae, Haemophilus parasuis, Bordetella bronchiseptica và Pasteurella multocida.

 

Thiệt hại kinh tế tăng cao ở những trại heo có tình trạng đồng nhiễm nhiều tác nhân so với các trại nhiễm đơn lẻ, do tác dụng công hưởng của những virus và vi khuẩn gây bệnh. Các trại có tình trạng đồng nhiễm M. hyopneumonia/ PRRSV và virus cúm thiệt hại kinh tế tăng gấp 1,8 đến 2,6 lần so với trại nhiễm đơn lẻ hoặc không nhiễm (Díaz et al., 2020).

 

Bài viết chia sẻ các vấn đề khoa học liên quan đến vấn đề đồng nhiễm và giải pháp giảm thiểu thiệt hại do bệnh hô hấp phức hợp trên heo gây ra.

 

 

 

2. Tình trạng đồng nhiễm trong bệnh lý hô hấp phức hợp ở heo

 

Nhiều loài virus và vi khuẩn là tác nhân trong bệnh lý hô hấp ở heo, tuy nhiên tuỳ theo đặc điểm dịch tễ, quy trình quản lý và phương thức chăn nuôi, sự đồng nhiễm xảy ra theo rất nhiều kiểu khác nhau.

 

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Đỗ Tiến Duy và ctv, (2019) đã ghi nhận sự đồng nhiễm của các mầm bệnh trong các ca bệnh hô hấp phức hợp (PRDC) trên heo sau cai sữa.

 

Tỷ lệ phát hiện PCV2 trên heo bệnh hô hấp phức hợp là cao nhất (88,3%; 53/60), tiếp đến là vi rút gây hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp – PRRSV (55,0%; 33/60), Mycoplasma hyopneumonia – Mh (51,7%; 31/60), Haemophilus parasuis – Hp (44,3%; 27/60), dịch tả heo – CSFV (13,3%; 8/60) và thấp nhất là PCV3 (6,67%; 4/60). Các nhóm mầm bệnh nhiễm ghép với nhau trong các ca hô hấp phức hợp lần lượt là PCV2 + PRRSV (48,3%), PCV2 + Mh (50,0%), PCV2 + Hp (38,3%) và PCV2 + Mh + Hp (23,3%).

 

Cũng tại Việt Nam, Dinh Xuan Phat et al., (2021), trên heo sau cai sữa bị bệnh hô hấp phức hợp, ghi nhận có đến 84,2% các trường hợp đồng nhiễm. Tỷ lệ nhiễm đồng thời với hai, ba, bốn và năm mầm bệnh tương ứng là 28,3%, 21,3%, 11,0%, và 2,4%, trong đó kết hợp thường xuyên nhất là PCV2 / MH (11%), PCV2 / PRRSV / HP (7,9%), và PCV2 / PRRSV / MH / HP (6,3%), PCV2 / PRRSV / CSFV / MH / HP (1,6%) hoặc PCV2 / PRRSV / PCV3 / MH / HP (0,8%).

 

Sự đồng nhiễm virus và vi khuẩn gây bệnh lý hô hấp phức hợp không chỉ xuất hiện ở heo có biểu hiện lâm sàng mà cả ở những heo bình thường. Nghiên cứu của Zhu et al., (2021) tại khu vực Đông Trung quốc, trên đàn heo không có biểu hiện lâm sàng, đã ghi nhận tỷ lệ dương tính với PCV2, PRRSV, S. suis, H. parasuis và A. pleuropneumoniae lần lượt là 59,9%, 27,2%, 52,3%, 33,2% và 0,4%. Sự đồng nhiễm của nhiều tác nhân cùng lúc được ghi nhận chủ yếu với các tổ hợp nhiễm PCV2/S. suis/H. parasuis (21,6%) và PRRSV/PCV2/S. suis (6,2%).

 

Trên mẫu phổi, Zhu et al., (2021) ghi nhận hơn 60 % mẫu phổi có sự hiện diện của virus (PRRSV/ PCV2), nhưng chỉ có 26,6% phổi dương tính với một trong 3 loài vi khuẩn S. suis, H. parasuis và A. pleuropneumoniae. Tỷ lệ đồng nhiễm PRRSV/PCV2 cao nhất trong mẫu phổi với 47,8% trường hợp, tiếp theo là PRRSV/S. suis (21,3%) và PCV2/S. suis (18.1%).

 

Với mẫu dịch xoang mũi, S. suis, PCV2 và H. parasuis hiện diện với tỷ lệ rất cao, tương ứng là 71%, 59,4% và 55,6%. Sự đồng nhiễm S. suis/H. parasuis chiếm tỷ lệ cao nhất trong dịch ngoáy mũi, với 55,6%, PCV2/S. suis với 47,9% và PCV2/H. parasuis là 36,4% (Zhu et al., 2021).

 

Sự hiện diện của các loài vi khuẩn S. suis, H. parasuis, A. pleuropneumoniae, cùng với PCV2 và PRRSV trong mô phổi và dịch ngoáy xoang mũi của heo không có biểu hiện lâm sàng, đồng nghĩa với việc heo luôn có khả năng mang trùng các tác nhân gây bệnh trên đường hô hấp và bệnh sẽ có nguy cơ xảy ra khi gặp các yếu tố bất lợi cho sức đề kháng của heo.

 

Theo Ruggeri et al., (2020), tại Ý, tỷ lệ bị bệnh hô hấp phức hợp ở heo cai sữa và heo choai/ vỗ béo lần lượt là 57,8% và 42,2% trong năm 2014; 53,7 và 46,3% năm 2015; và 57,5 và 42,5% năm 2016. Tuỳ theo tác nhân gây bệnh, bệnh tích trên đường hô hấp của heo do vi sinh vật gây ra có thể bao gồm: viêm phổi – phế quản cata (catarrhal bronchopneumonia – CBP), viêm phổi – phế quản mủ (purulent bronchopneumonia – PBP), viêm phổi kẽ (interstitial pneumonia – IP), viêm phổi kẽ – phế quản (interstitial bronchopneumonia (BIP), viêm phổi – màng phổi (pleuropneumonia – PP), viêm màng phổi (pleuritis – PL), viêm màng bao tim (pericarditis – PE), và viêm màng phổi – màng bao tim (pleuro-pericarditis – PL-PE). Các tác nhân gây bệnh hô hấp phức hợp được phát hiện bao gồm Streptococcus suis, P. multocida, A. pleuropneumoniae, PRRSV, PCV2, M. hyopneumoniae, M. hyorhinis, H. parasuis và P. multocida (Ruggeri et al., 2020).

 

Tỷ lệ các tác nhân gây bệnh hô hấp phát hiện được ở phổi thay đổi theo nhóm heo. Ở heo sau cai sữa, chiếm ưu thế là S. suis, PRRSV, M. hyorhinis, và H. parasuis. M. hyorhinis được phát hiện nhiều nhất ở phổi heo có bệnh tích, với 98,7%, trong khi PRRSV, H. parasuis và Streptococcus spp. đều được phát hiện cả trên phổi không có bệnh tích và có bệnh với tần suất cao, lần lượt là 75,0 và 59,6% với PRRSV, 61,3 và 38,2% với H. parasuis, 45.3 và 34.8% với Streptococcus spp. (Ruggeri et al., 2020).

 

Ở heo choai/ vỗ béo, các tác nhân gây bệnh phổ biến được phát hiện là PCV2, M. hyopneumoniae, PRRSV, P. multocida và A. pleuropneumoniae. M. hyopneumoniae và PCV2 chiếm tỷ lệ cao ở phổi heo có bệnh tích, lần lượt là 68,5% và 43,7%, trong khi đó ở phổi heo có và không có bệnh tích, tỷ lệ phát hiện PRRSV lần lượt là 55,1 và 41,3%; Streptococcus spp. là 41,0 và 18,7%); P. multocida là 26,3 và 14,7% (Ruggeri et al., 2020).

 

Tỷ lệ phát hiện các loài vi khuẩn gây bệnh hô hấp phức hợp thay đổi tuỳ theo dạng bệnh tích trên đường hô hấp. P. multocida được phát hiện trên các mẫu phổi ở heo sau cai sữa có các bệnh tích tương ứng là: PBP (28,6%), PL (26,0%), CBP (25,9%), và PE (25,0%).

 

Ở heo choai/ vỗ béo là: CBP (37,8%), PL (29,9%), BIP (28,0%), PBP (28,0%), và IP (23,3%). A pleuropneumoniae được phát hiện trên các mẫu phổi ở heo sau cai sữa có các bệnh tích tương ứng là: PP (64,4%), PL (16,7%) và PBP (14,3%).

 

Ở heo choai/ vỗ béo là: PP (81,0%), PL (38,10%) PBP (28,0%), BIP (24%), và PE (20,8%). H. parasuis được phát hiện trên các mẫu phổi ở heo sau cai sữa có các bệnh tích tương ứng là: BIP (76,9%), PP (73,3%), PE (70,4%) và PL (60,7%).

 

Ở heo choai/ vỗ béo là: PBP (66,3%), CBP (58,3%), BIP (52,8%), IP (50,0%), PL (50,0%), PE (50,0%) và PP (25,0%). Streptococcus spp. được phát hiện trên các mẫu phổi ở heo sau cai sữa có các bệnh tích tương ứng là: IP (83,0%), BIP (59,0%), PL (61,0%) và PE (50,0%).

 

Ở heo choai/ vỗ béo là: IP (63,0%), CBP (60,0%), PBP (52,0%), BIP (51,0%), PE (63,0%) và PL (57,0%). M hyorhinis được phát hiện với tỷ lệ rất cao ở heo cai sữa, có thể lên đến 90%.

 

Tần suất M. hyorhinis được ghi nhận ở phổi heo sau cai sữa bị BIP là 53,8%; ở heo choai/ vỗ béo bị PL-PE là 85,7%, CBP là 66,7%, PBP là 60,0%, và PE là 38,9%. M. hyopneumoniae được phát hiện ở heo sau cai sữa với tỷ lệ không cao, 38,9% ở heo có bệnh tích PBP và 30,9% với CBP. Ngược lại, M. hyopneumoniae được ghi nhận với tần suất cao hơn nhiều ở heo choai/ vỗ béo, với 65–90%, trừ ở heo có bệnh tích IP chỉ ở mức 44,4%) (Ruggeri et al., 2020).

 

Phân tích tần suất nhiễm các vi khuẩn gây bệnh trên đường hô hấp ở heo cho thấy, A. pleuropneumoniae được phát hiện nhiều nhất ở các trường hợp có bệnh tích viêm phổi – màng phổi ở heo vỗ béo; Streptococcus spp. và S. suis liên quan nhiều đến bệnh tích viêm màng bao tim ở heo sau cai sữa; M. hyopneumoniae xuất hiện chủ yếu ở heo bị viêm phổi – phế quản ca ta hoặc có mủ thường xảy ra ở heo choai/ vỗ béo (Ruggeri et al., 2020).

 

 

3. Ảnh hưởng của sự đồng nhiễm trong bệnh lý hô hấp phức hợp ở heo

 

PRRSV có thể gây bệnh khi nhiễm đơn lẻ, với tỷ lệ chết thấp, tuy nhiên khi đồng nhiễm với các tác nhân khác, nhất là vi khuẩn gây bệnh trên đường hô hấp, tỷ lệ bệnh và tỷ lệ chết đều tăng lên rất cao. Tại Mỹ, giai đoạn 2004 – 2007, sự đồng nhiễm PRRSV/ PCV2 và M. hyopneumoniae là nguyên nhân quan trọng nhất gây chết heo. Tiêm phòng vaccine giúp kiểm soát thiệt hại do bệnh hô hấp phức hợp gây ra trên heo.

 

Theo Zhao et al., (2021), heo nhiễm PRRSV làm gia tăng tính cảm nhiễm với H. parasuis và S. suis. Đồng nhiễm PRRSV, H. parasuis và S. suis làm gia tăng tỷ lệ bệnh và chết ở heo, tuy nhiên mức độ cảm nhiễm thay đổi tuỳ chủng PRRSV đồng nhiễm. Đồng nhiễm PRRSV dòng Trung quốc độc lực cao gây nên tình trạng bệnh bội nhiễm do S. suis nghiêm trọng nhất so với khi đồng nhiễm dòng PRRSV khác, Mặt khác, nhiễm S. suis cũng làm gia tăng độc lực của PRRSV dòng Trung quốc. Điều này cũng được ghi nhận tương tự trong nghiên cứu của Gebhardt et al., (2020); Kavanová et al., (2017).

 

Nghiên cứu của Zhao et al., (2021) cũng ghi nhận, tác động đồng nhiễm của APP ở heo nhiễm PRRSV thay đổi tuỳ theo thể bệnh và tuỳ theo chủng vi khuẩn nhiễm. Heo bệnh PRRSV thể cấp nếu đồng nhiễm APP sẽ có biểu hiện lâm sàng nghiêm trọng hơn so với khi heo chỉ nhiễm PRRSV thể cận lâm sàng. Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy tế bào nhiễm APP giai đoạn sớm, trước khi nhiễm PRRSV, có thể phong toả sự xâm nhiễm của PRRSV vào tế bào.

 

Nhìn chung, PRRSV có tác động không rõ ràng lên khả năng gây bệnh của APP, nhưng APP có thể làm giảm khả năng gây bệnh của PRRSV Pasteurella multocida nếu một mình thường ít gây bệnh nghiêm trọng cho heo, nhưng khi kết hợp với các tác nhân gây bệnh khác, P. multocida có thể gây ra tỷ lệ chết từ 5 – 40% ở heo mọi lứa tuổi.

 

Bordetella bronchiseptica kết hợp với P. multocida sẽ gây bệnh nghiêm trọng hơn (Gebhardt et al., (2020). Các loài Mycoplasma như M. hyopneumoniae, M. hyosynoviae, M. hyorhinis, M. suis vừa có khả năng gây bệnh cho heo, vừa làm gia tăng tính cảm nhiễm của heo với các tác nhân gây bệnh khác.

 

Theo Kavanová et al., (2017) PRRSV được xem là yếu tố tiên phát cho các tác nhân gây bệnh lý hô hấp khác như Streptococcus suis, Haemophilus parasuis, Mycoplasma hyopneumoniae, Actinobacillus pleuropneumoniae…

 

Saade et al., (2020) đã tổng kết các nghiên cứu về sự đồng nhiễm virus gây bệnh hô hấp phức hợp cho thấy, thường gặp nhất là đồng nhiễm virus cúm A, PRRSV, và PCV2. Sự đồng nhiễm các loài virus gây bệnh trên đường hô hấp như PRRSV, virus cúm A, PCV2… thường dẫn đến làm gia tăng sự nhân lên của virus, mức độ nghiêm trọng lâm sàng, suy giảm hiệu quả miễn dịch khi tiêm vaccine.

 

Những virus này là những tác nhân tiên phát trong bệnh lý hô hấp phức hợp ở heo, phá huỷ hàng rào biểu mô trên đường hô hấp, làm gia tăng biểu hiện thụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự kết bám và cư trú của vi khuẩn gây bệnh, đồng thời ảnh hưởng xấu đến đáp ứng miễn dịch của vật chủ. Sự đồng nhiễm PRRSV làm tăng lượng virus đồng nhiễm khác trong máu cũng như mức độ nghiêm trọng lâm sàng ở heo bệnh.

 

Sự đồng nhiễm M. hyopneumoniae với PCV2, virus cúm và PRRSV trong bệnh lý hô hấp phức hợp của heo được nghiên cứu nhiều nhất. Kết quả cho thấy tác động công hưởng của M. hyopneumoniae với các virus nói trên sẽ xảy ra rõ nhất khi heo đã nhiễm vi khuẩn này ít nhất 3 tuần trước khi có sự đồng nhiễm với các virus nói trên.

 

Cũng theo Saade et al., (2020), sự đồng nhiễm vi khuẩn và vi khuẩn trên đường hô hấp heo làm gia tăng nguy cơ và mức độ lâm sàng bệnh lý hô hấp phức hợp và suy giảm miễn dịch ở heo, nhất là khi có sự hiện diện của vi khuẩn thuộc giống Mycoplasma như M. hyopneumoniae, M. hyorhinis.

 

 

 

 

 

 

 

Mức độ công hưởng của sự đồng nhiễm giữa các tác nhân virus và vi khuẩn gây bệnh hô hấp phức hợp ở heo được Saade et al., (2020) tổng hợp qua hình 1, 2 và 3. Sự đồng nhiễm các tác nhân virus và vi khuẩn làm gia tăng sự nhân lên của các tác nhân, hậu quả dẫn đến làm tăng mức độ nghiêm trọng lâm sàng của bệnh.

 

4. Giải pháp giảm thiểu thiệt hại

 

Việc kiểm soát bệnh hô hấp phức hợp trên heo phải bao gồm nhiều nhóm giải pháp kết hợp: sử dụng kháng sinh, tiêm vaccine, an toàn sinh học. Các biện pháp quản lý kiểm soát lây nhiễm, đóng đàn, cai sữa sớm, cùng vào cùng ra, tầm soát nhiễm… phải được thực hiện đồng bộ.

 

Chương trình kiểm soát bệnh lý hô hấp phức hợp về cơ bản gồm những giải pháp sau: kiểm soát sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh vào trong trại, kiểm soát sự tồn tại và lây nhiễm tác nhân gây bệnh trong trại bằng biện pháp quản lý cùng vào – cùng ra, cách ly – thích nghi đàn heo mới nhập về, loại thải nhanh chóng những heo bệnh, vệ sinh – tiêu độc nghiêm ngặt và thường xuyên, kiểm soát các yếu tố gây stress, tầm soát lưu nhiễm, bổ sung kháng sinh giai đoạn nguy cơ, thực hiện tốt và đầy đủ nhất có thể chương trình vaccine cho heo cai sữa và đàn sinh sản.

 

Bệnh lý hô hấp trên heo liên quan đến nhiều tác nhân vi sinh vật như M. hyopneumonia, H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica, A. pleuropneumoniae, Streptococcus, PRRSV, PCV2, virus cúm…. Để đạt được hiệu quả phòng chống bệnh hô hấp phức hợp bằng vaccine cần thực hiện tốt 3 quy trình miễn dịch: Miễn dịch trên đàn nái, miễn dịch ở heo con theo mẹ, miễn dịch ở heo sau cai sữa, với độ phủ miễn dịch rộng. Để làm điều này trại nên tiêm vaccine phòng các loài vi sinh vật M. hyopneumonia, H. parasuis, P. multocida, B. bronchiseptica, A. pleuropneumoniae, Streptococcus, PRRSV, PCV2, virus cúm…. trên đàn nái và đàn heo sau cai sữa, kiểm soát tối đa sự xâm nhiễm và lây truyền các tác nhân vi sinh vật gây bệnh hô hấp phức hợp trên đàn heo.

 

Để chương trình vaccine có thể đạt được hiệu quả trại cần thực hiện việc tầm soát xác định nguyên nhân gây bệnh lý hô hấp phức hợp ở heo tại trại, đánh giá mức độ nguy cơ của từng tác nhân gây bệnh lý hô hấp khác ở heo. Quản lý tình trạng sạch PRRSV trên đàn nái, sự lây truyền virus từ mẹ sang con và nâng cao miễn dịch ở đàn nái, hậu bị và heo con theo mẹ là các biện pháp chính trong kiểm soát PRRSV. Giữ sạch đàn đối với PRRSV là giải pháp tôi ưu cho đàn sinh sản, và tiêm phòng vaccine cho đàn heo thương phẩm sẽ là giải pháp an toàn và hiệu quả kinh tế.

 

Với sự đa dạng và đồng nhiễm nhiều loài vi khuẩn gây bệnh trong bệnh lý hô hấp phức hợp ở heo, kháng sinh được sử dụng trong phòng – trị bệnh phải là các kháng sinh phổ rộng hoặc kết hợp kháng sinh như: tetracyclines, pleuromutilins, lincosamides valnemulin + chlortetracycline, tiamulin + chlortetracycline, tilmicosin, chlortetracycline + procaine penicillin + sulfadimidine và lincomycin + chlortetracycline… Liệu trình phòng trị thường phải kéo dài 2 – 3 tuần mới có thể phát huy hiệu quả.

 

Vaccine và kháng sinh được xem là các giải pháp hỗ trợ hiệu quả trong kiểm soát vi khuẩn đồng nhiễm trong bệnh lý hô hấp phức hợp ở heo. Tuy nhiên, trên thực tế việc tiêm vaccine thường không đem lại hiệu quả như mong muốn do các loài vi khuẩn đồng nhiễm nguy hiểm như A. pleuropneumonia, H. parasuis, S. suis có nhiều serotype khác nhau và không có miễn dịch chéo giữa các serotype. Ngoài ra, do đặc điểm cư trú trên niêm mạc đường hô hấp của vật chủ nên các kháng thể được tạo thành sau tiêm vaccine thường kém hiệu quả trong việc phong toả sự kết bám và nhân lên của chúng.

 

Để khắc phục nhược điểm nói trên, những vaccine thế hệ mới, vaccine tiểu phần, vaccine protein tái tổ hợp, được sản xuất dựa trên đồng thời kháng nguyên kết bám và kháng nguyên độc tố vô hoạt của vi khuẩn như A. pleuropneumoniae, H. parasuis, P. multocida… đã trở nên hiệu quả hơn rất nhiều trong việc kiểm soát các vi khuẩn gây bệnh trên đường hô hấp. Việc lựa chọn vaccine phù hợp sẽ tuỳ thuộc vào đặc điểm dịch tễ, tình trạng miễn dịch và chương trình quản lý đàn heo của mỗi trại.

 

 

Theo Nhà chăn nuôi.